Theo đánh giá của các chuyên gia, thương mại điện tử phát triển mạnh kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong lĩnh vực này ngày càng cao cả về lượng và chất, ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp nhảy vào cạnh tranh.
Chưa bao giờ các doanh nghiệp, cửa hàng có nhiều lựa chọn như hiện nay. Có thể kể đến hàng loạt nhà cung cấp như Viettel Post, VNPost, Saigon Post, Giaohangnhanh, Shipchung, Giaohangtietkiem… Ngoài ra, còn có rất nhiều các doanh nghiệp chuyển phát nhỏ lẻ khác.
Gần đây nhất, sự xuất hiện dịch vụ vận chuyển nội địa Việt Nam DHL eCommerce của “gã khổng lồ” trên thế giới DHL cũng tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường.
Chưa dừng lại ở đó, mới bước chân vào Việt Nam, DHL eCommerce đã có động thái hợp tác với nền tảng website bán hàng đang được dùng rất phổ biến Bizweb.vn. Hãng này tham vọng sự hợp tác với Bizweb.vn sẽ giúp họ tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp Việt cũng như hơn 30.000 khách hàng hiện tại đang sử dụng nền tảng website bán hàng đa kênh này.
Cái bắt tay giữa DHL eCommerce và Bizweb cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận với dịch vụ vận chuyển chất lượng chuẩn quốc tế. Bên cạnh các hãng cung cấp dịch vụ giao nhận trong nước, chủ website Bizweb sẽ có thể tích hợp DHL eCommerce, quản trị tới từng khâu khi sử dụng. Thay vì phải đăng nhập vào hệ thống của DHL eCommerce để tạo thông tin đơn hàng, chủ website chỉ cần tạo đơn hàng một lần trong quản trị website, sau đó lựa chọn đơn vị giao hàng là DHL eCommerce.
Theo đánh giá chung, nhiều dịch vụ vận chuyển trong nước hiện nay chưa bắt kịp nhịp độ phát triển của thương mại điện tử, là một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, để cạnh tranh, không ít doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển chọn cách chạy đua về giá, nhưng lại không đảm bảo được chất lượng đã cam kết khiến nhiều khách hàng phàn nàn về việc lấy hàng, giao hàng muộn hoặc thất lạc hàng hóa.
Thực tế này được ví như là cách nhanh nhất để doanh nghiệp tự mua dây buộc mình, hạ thấp uy tín và chất lượng dịch vụ.
Do đó các chuyên gia khuyến cáo, việc tập trung cải thiện chất lượng, trải nghiệm dịch vụ mới là cốt lõi để tồn tại trong ngành dịch vụ nói chung và lĩnh vực vận chuyển nói riêng. Bởi nếu không chú trọng vào chất lượng dịch vụ, bất cứ doanh nghiệp nào cũng lơ lửng nguy cơ thua trên chính sân nhà.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử thực sự chưa bao giờ được coi là “dễ ăn”, đặc biệt ở Việt Nam. Và trên con đường đó, các doanh nghiệp hoặc là đi một mình, hoặc hợp tác với đối tác cung cấp dịch vụ chuyên sâu để đôi bên cùng có lợi và phục vụ tốt nhất cho tập khách hàng chung. Và chính những cái bắt tay hợp tác để cùng chinh phục những rào cản đó sẽ là giải pháp, xu hướng thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.