Xăng giảm giá, tài xế thêm quyết tâm bám trụ với nghề
Có mặt ở cây xăng Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội) sáng sớm hôm nay, anh Trần Đăng Triệu - tài xế xe công nghệ hãng GoViet cho hay: “Giá xăng giảm mạnh từ 0 giờ ngày 11/7 đúng là tin vui đối với cánh tài xế chúng tôi, như thể thời tiết nắng hạn lâu ngày gặp cơn mưa rào.
Nếu như cuối tháng trước, tôi còn phân vân có nên bám trụ với nghề hay không, vì giá xăng tăng quá cao khiến thu nhập giảm mạnh, công ty lại cắt chế độ thưởng doanh số khiến đời sống vô cùng ngột ngạt thì hôm nay tôi đã lạc quan hơn. Hy vọng thời gian tới, giá xăng tiếp tục giảm để đời sống của tài xế dễ thở hơn nơi nội thành chi phí đắt đỏ”.
Người dân kỳ vọng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sớm giảm theo giá xăng, dầu. Ảnh: Ánh Ngọc
Chia sẻ niềm vui khi giá xăng, dầu giảm, chị Trần Thị Hằng - chủ cửa hàng tạp hóa (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, giá xăng dầu giảm, giá hàng hóa chắc chắn giảm tương ứng nhưng sẽ trễ hơn. Như vậy, người dân chi tiêu thoải mái và mua sắm cũng nhộn nhịp hơn, đồng nghĩa với việc buôn bán của chị cũng sẽ thuận lợi.
“Tôi cũng hy vọng sau khi giá xăng giảm, mức giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm… sẽ giảm tương ứng để đời sống của người dân đỡ vất vả cũng như hoạt động mua sắm bớt trầm lắng bởi ảnh hưởng của áp lực lạm phát”, chị Trần Thị Hằng chia sẻ.
Gia đình ông Đặng Hữu Đông (ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, khi xăng dầu chưa tăng, chi tiêu của gia đình hết khoảng 12 triệu đồng/tháng, sau khi xăng tăng giá khoản chi tiêu hàng tháng đã lên 15 triệu đồng/tháng. Do đó ông Đông cũng như rất nhiều người dân khác rất mong muốn giá xăng, dầu giảm để các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ giảm theo.
“Từ mấy hôm trước nghe tin giá xăng dầu sẽ giảm mạnh từ ngày 11/7, tôi đã rất mong chờ. Và đúng là giá xăng đã giảm mạnh tới hơn 3.000 đồng/lít kể từ 0 giờ ngày hôm nay. Đây thực sự là tin vui đối với gia đình tôi vì cảm thấy gánh nặng chi phí sinh hoạt như được bớt đi phần nào” - ông Đặng Hữu Đông tâm sự.
Giá hàng hoá thêm cơ hội điều chỉnh giảm
Phía các DN phân phối, bán lẻ cũng mong mỏi từ lâu bởi khi giá xăng giảm, các mặt hàng trong siêu thị, đặc biệt là những mặt hàng cao cấp có mức giá tốt hơn phục vụ nhu cầu của khách hàng, đồng thời kích cầu thị trường tiêu dùng.
Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, ngay sau khi giá xăng giảm từ ngày 11/7, siêu thị sẽ triển khai chương trình kích cầu, thu hút người tiêu dùng từ khuyến mại từ trực tiếp (offline) đến trực tuyến (online) trên fanpage, website, thanh toán qua ví điện tử…
“Chúng tôi sẽ đàm phán với các nhà cung cấp phương án giảm giá đầu vào đối với các mặt hàng, từ đó giảm giá thành sản phẩm tại siêu thị để người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý, qua đó góp phần tăng doanh thu cho hệ thống siêu thị những tháng cuối năm” - bà Nguyễn Thị Kim Dung nói.
Không chỉ người dân bày tỏ vui mừng mà các DN cũng rất phấn khởi khi giá xăng, dầu giảm bởi đây không chỉ là mặt hàng thiết yếu, xăng dầu còn là yếu tố đầu vào liên quan đến hầu hết hàng hóa khác.
Do vậy, với mức giảm mạnh hơn 3.000 đồng/lít xăng, hơn 2.000 đồng/lít/kg dầu lần này, người tiêu dùng không những được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng mà còn được hưởng lợi gián tiếp từ giá các loại hàng hóa, dịch vụ.
Giá xăng giảm mạnh hơn 3.000 đồng/lít từ 0 giờ ngày 11/7. Ảnh: Phạm Hùng
Trước đó, tối muộn 10/7, thực hiện các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm giá các mặt hàng xăng, dầu.
Cụ thể, từ 0 giờ ngày 11/7, xăng E5RON92 giảm 3.103 đồng/lít, xăng RON95 giảm 3.088 đồng; các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh giảm mạnh từ 2.008 – 3.022 đồng/lít/kg.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 27.788 đồng/lít; xăng RON95 không cao hơn 29.675 đồng/lít; dầu diezen không cao hơn 26.593 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 26.345 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 17.712 đồng/kg
Như vậy, giá bán lẻ xăng, dầu đã giảm mạnh theo xu hướng đi xuống của thị trường thế giới và cộng hưởng với việc giảm thuế môi trường với xăng dầu.
Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, thời gian vừa qua, trước việc giá xăng dầu liên tục tăng cao, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan rà soát và báo cáo Chính phủ đề xuất, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các loại xăng dầu về mức thấp nhất trong khung thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền quyết định của UBTVQH.
Ngày 8/7/2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo mức Chính phủ đề xuất và bắt đầu áp dụng từ ngày 11/7/2022, việc này đã góp phần hỗ trợ giảm giá xăng dầu trong nước.