Trong lần điều chỉnh ngày 19/1, Liên bộ Tài chính - Công Thương cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng E5 tăng 429 đồng lên 18.672 đồng/lít, nhưng không đề cập đến mặt hàng xăng A95, dù đây là mặt hàng được rất nhiều người mua. Tuy nhiên, cùng ngày các cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM đồng loạt thay đổi giá bán mặt hàng xăng A95 và xăng E5. Theo đó, giá xăng A95 bán tại thị trường TP.HCM từ 20.090 đồng tăng lên 20.380 đồng/lít.
Các chuyên gia dự báo, việc giá xăng tăng mạnh lần này sẽ tác động đến giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong những ngày cận Tết Nguyên đán.
Theo tính toán của các chuyên gia, xăng đối với giá một số mặt hàng thiết yếu là khoảng 5%, nên nếu có điều chỉnh giá đầu vào theo tỷ trọng tăng giá thì giá bán các mặt hàng trên thị trường sẽ tăng khoảng 3 – 4%.
Giá xăng dầu tăng: Nhiều mặt hàng "rủ nhau" tăng giá
Trước đó, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dự báo các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng ngày Tết như thịt lợn, rau quả, trái cây, hoa có thể tăng giá 15 – 20%; bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát cũng được dự báo tăng nhưng ở mức không quá cao.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết hiện nay, giá xăng dầu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vì vậy, các chuyên gia và DN cho rằng trong kỳ điều hành giá xăng dầu sắp tới, cơ quan quản lý cần áp dụng các giải pháp có thể để giữ giá xăng trong nước không tăng. Chẳng hạn như giảm thuế, giảm chiết khấu cho đại lý… để tránh tình trạng “té nước theo mưa”.
Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú: “Giải pháp tốt nhất hiện nay là không nên tăng giá xăng dầu. Cơ quan điều hành có thể dùng quỹ bình ổn để “kìm” giá xăng dầu. Có như vậy mới bình ổn được thị trường trong dịp Tết”.
Một số giám đốc siêu thị và ban quản lý chợ cho biết, thông thường cứ mỗi đợt xăng tăng giá thì sức mua giảm, nhất là đối với những mặt hàng xa xỉ như quần áo, giày dép, phụ trang, kim khí điện máy… Và với sự điều chỉnh lần này, e rằng doanh thu của các siêu thị cũng sẽ giảm mặc dù thị trường đang bước vào mùa mua sắm cao điểm cuối năm.
Theo ý kiến của một số nhà phân phối lớn, hầu hết các nhà cung cấp thực phẩm chế biến, đồ uống… đều cho rằng việc phải điều chỉnh giá hàng hóa tăng là điều đương nhiên.
Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên ở Đà Lạt cho biết, việc tăng giá xăng ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành sản phẩm bởi xăng được sử dụng để vận hành nông nghiệp (máy cày, mô tơ bơm nước…) và để vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra dịp tết, chi phí thuê nhân công làm vườn thường phải tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với ngày thường, cộng với sức tiêu thụ một số mặt hàng tăng vọt, có thể dẫn tới khan hiếm nên công ty buộc phải tăng giá một số sản phẩm.
"Từ ngày 20-30 tháng Chạp, một số loại như rau, củ, quả (cà rốt, khoai tây…) tăng từ 5-7%, một số loại rau ăn lá (bắp cải, xà lách…) tăng 10-15% so với ngày thường" ông Sơn nói.