Giá vàng thế giới hôm nay 22/4/2020 tính đến 15h25 (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 1.697 USD/ounce - tăng 10 USD so với đầu giờ sáng nay.
Giá vàng thế giới chiều 22/4 tăng mạnh trở lại.
Sau khi nhận định rằng động lực kỹ thuật của vàng có thể đẩy giá lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay, Bank of America đã nâng mục tiêu giá vàng trong 18 tháng tới lên 3.000 USD/ounce - cao hơn 50% so với mức giá 2.000 USD ngân hàng này dự báo trước đó - trong một báo cáo vừa công bố mang tên "Fed không thể in vàng".
Bank of America dự kiến vàng thỏi sẽ có giá trung bình khoảng 1.695 USD/ounce trong năm nay và 2.063 USD trong năm 2021. Cho đến nay, mức giá kỷ lục mà vàng đạt được là 1.921,17 USD được thiết lập vào tháng 9/2011. Trong phiên giao dịch đêm qua 21/4, giá vàng giao ngay dao động quanh mức 1.680 USD/ounce và đã tăng tổng cộng 11% kể từ đầu năm.
Trước Bank of America, các quỹ đầu tư, tổ chức khác trên thế giới cũng liên tục có những dự báo về xu hướng tăng vọt của vàng trong tương lai. Cuối tháng 3 vừa qua, WingCapital Investments - quỹ đầu tư có trụ sở tại Mỹ - đưa ra dự báo giá vàng có thể sẽ tăng lên mức 3.000 USD/ounce với thời gian tích lũy là 3 năm. Trong ngắn hạn, Ngân hàng ANZ đưa ra mức dự báo giá vàng có thể chạm mức 2.000 USD/ounce trong quý 2 năm nay. Hay TD Securities cũng đã dự báo giá vàng sẽ tăng lên 1.800 USD/ounce vào thời gian không xa và đạt 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay. Cao hơn một chút, ngân hàng đầu tư B.Riley FBR còn dự báo vàng sẽ cán mốc 2.500 USD/ounce vào quý 3 tới và giao dịch quanh mức ấy cho đến quý 4/2020.
Báo cáo của Bank of America nhận định, "Khi kinh tế sụt giảm dữ dội, chi tiêu tài khóa tăng vọt, và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương tăng gấp đôi, các đồng tiền pháp định có thể chịu sức ép, các nhà đầu tư sẽ nhắm tới vàng."
Ngân hàng trên cảnh báo rằng bảng cân đối của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng 20 - 40% trong năm nay. Theo báo cáo tuần trước, bảng cân đối của Fed đã đạt mức cao kỷ lục 6,42 nghìn tỷ USD, tăng hơn 50% so với mức báo cáo trong tuần đầu tiên của tháng 3. Trong khi đó, các nhà phân tích lưu ý rằng "Fed không thể in vàng".
Ngoài các yếu tố cơ bản về cung và cầu vàng truyền thống, các áp chế tài chính đang trở lại với quy mô phi thường. Theo đó, lãi suất tại Mỹ và hầu hết các nền kinh tế G10 có thể sẽ bằng 0 hoặc rơi xuống dưới mức này trong một khoảng thời gian rất dài khi các ngân hàng trung ương cố gắng đẩy lạm phát trở lại.
Mặc dù tâm lý tăng giá đang mạnh mẽ, Bank of America vẫn nhận thấy một số rủi ro trên thị trường vàng. Đồng đô la Mỹ mạnh lên sẽ làm cho vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Cùng với đó, biến động thị trường tài chính và nhu cầu trang sức sụt giảm tại Ấn Độ và Trung Quốc có thể vẫn là "cơn gió ngược" đối với vàng.
Trên thị trường trong nước, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết cho thị trường TPHCM 47,35-48,00 triệu đồng/lượng, giảm 150 nghìn đồng chiều mua vào và 170 nghìn đồng chiều bán ra so với thời điểm 9h sáng nay.
Giá vàng SJC trên hệ thống Phú Quý cũng giảm 100 nghìn đồng chiều mua vào và giảm 50 nghìn đồng chiều bán ra về 47,40-47,95 triệu đồng/lượng.
Tại hệ thống Phú Nhuận, giá vàng SJC không đổi khi được niêm yết 47,20-48,05 triệu đồng/lượng. Mức giá này được PNJ duy trì kể từ phiên trước.
Trong khi đó, Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đầu giờ chiều nay cũng giảm còn 45,35-46,25 triệu đồng/lượng.