Theo ghi nhận trên thị trường giá nông sản trong nước, giá tiêu hôm nay 16/7/2020 đi ngang so với phiên giao dịch hôm qua.
Cụ thể, tại tỉnh Gia Lai, Đồng Nai giá tiêu hôm nay báo giảm nhẹ 500 đồng/kg xuống mức 47.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 48.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 49.500 đồng/kg, đây là địa phương có giá cao nhất toàn miền.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 48.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 47.000 - 49.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 16/7: Sản lượng hồ tiêu giảm mạnh.
Tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức chuyến khảo sát các vùng trồng tiêu ở Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai. Kết quả khảo sát tại Bình Phước cho thấy, sản lượng tiêu vụ 2020 tại tỉnh này ước giảm 20%.
Nguyên nhân là do nhiều vườn tiêu ở Bình Phước cây già cỗi nhiều, tuổi đời trung bình trên dưới 20 năm nên năng suất thấp; giá hồ tiêu giảm mạnh trong thời gian qua, trong khi chi phí sản xuất tăng, đặc biệt là chi phí thu hoạch, nên người nông dân giảm đầu tư cho vườn cây.
Dọc tuyến đường khảo sát trên địa bàn các huyện Đắk Đoa, Mang Yang của Gia Lai, tỷ lệ tiêu chết lên tới khoảng 40-50%.
Ở Chư Sê và Chư Pưh cũng thuộc Gia Lai, tiêu chết lên tới 60-70%. Nông dân gặp khó khăn về vốn, những bất lợi về thời tiết, bệnh chết nhanh, chết chậm và sâu hại đã khiến cho hàng loạt vườn tiêu ở Gia Lai bị chết, không có khả năng phục hồi.
Tại các vườn tiêu ở Cư M’Gar, Buôn Hồ, Krông Năng và Ea H’Leo mà đoàn khảo sát đi qua, diện tích vườn tiêu cằn cỗi và chết cũng khá cao.
Với những thực tế bất lợi như trên, vụ hồ tiêu Việt Nam 2020 đã kết thúc với sản lượng ước đạt 240.000 tấn, giảm 15% so với năm 2019. Giá giảm, áp lực lãi vay, nợ tín dụng gia tăng đã đẩy phần lớn nông dân tại các vùng trồng tiêu trọng điểm lâm vào cảnh khó khăn.
Sự sụt giảm sản lượng đáng kể từ Việt Nam có thể góp phần làm giảm mạnh nguồn cung hồ tiêu toàn cầu, bất chấp việc tăng sản lượng tại Brazil và Ấn Độ.