Giá nông sản ngày 22/8: Cà phê cao nhất 48.600 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 48.100 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 48.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 48.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 48.500 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 48.500 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 48.400 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 48.500 đồng/kg, 48.400 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 48.500 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 48.000 - 48.600 đồng/kg.
Ảnh minh họa. Ảnh: Nguyễn Long
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2022 ở mức 2.226 USD/tấn, giao tháng 11/2022 ở mức 2.226 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 ở mức 215,95 cent/lb, giao tháng 12/2022 ở mức 213,35 cent/lb.
Trong báo cáo tháng 7, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) tiếp tục giữ nguyên dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021 - 2022 ở mức 167,2 triệu bao, giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước.
Đồng thời, ICO dự báo tiêu thụ sẽ tăng 3,3% lên mức 170,3 triệu bao. Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021 - 2022.
Cùng thời điểm, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2021 - 2022 giảm 300.000 bao so với dự báo đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, xuống còn 167,1 triệu bao.
Trong đó, Brazil tăng 1,8 triệu bao lên 58,1 triệu bao nhờ sản lượng arabica cao hơn dự kiến. Tuy nhiên, sản lượng của Honduras điều chỉnh giảm 1,4 triệu bao do ảnh hưởng của bệnh gỉ sắt ở lá.
Sản lượng của Colombia cũng giảm 800.000 bao do thời tiết mưa nhiều và thiếu nắng làm giảm sản lượng. Ngoài ra, sản lượng của Bờ Biển Ngà cũng được cắt giảm 670.000 bao do sản lượng thấp hơn.
Theo báo cáo của Công ty tư vấn Safras & Mercados, hiện Brazil mới thu hoạch khoảng 48% vụ mùa, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 58% vào cùng thời điểm do thiếu hụt nhân công thu hái và thời tiết không thuận lợi cho việc phơi sấy.
Giá nông sản ngày 22/8: Tiêu cao nhất 71.000 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 69.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 71.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay ở mức 68.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 68.000 - 71.000 đồng/kg.
Nhận định về giá tiêu cuối năm 2022, giới phân tích cho rằng thị trường hồ tiêu xuất khẩu của nước ta sẽ hồi phục. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định, việc giá tiêu xuất khẩu tăng không đồng nghĩa giá tiêu trong nước cũng tăng theo.
Tháng 7/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.214 USD/tấn, tăng 1,9% so với tháng 6/2022 và tăng 16,7% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.488 USD/tấn, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Thị trường hạt tiêu thế giới vẫn đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19 tại Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu chưa có dấu hiệu lắng xuống. Giá hạt tiêu được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới do lạm phát toàn cầu ở mức cao, ảnh hưởng tới các nền kinh tế thế giới.
Ngoài thị trường lớn là Mỹ, hạt tiêu Việt đang kỳ vọng vào sức mua của thị trường Trung Quốc từ nay tới cuối năm để có thể bứt phá cả về lượng và giá xuất khẩu. Ngành hạt tiêu Trung Quốc có 2 đặc điểm chính, thứ nhất là sản xuất tiêu của nước này tập trung ở đảo Hải Nam, với sản lượng chiếm hơn 90% tổng sản lượng của cả nước.
Thứ hai, ở góc độ toàn cầu, không giống như các nước khác trên thế giới chủ yếu sản xuất tiêu đen, Trung Quốc chủ yếu sản xuất tiêu trắng, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng của thế giới. Hải Nam cũng là vùng sản xuất tiêu trắng chính của thế giới.
Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, mỗi năm Trung Quốc cần nhập khẩu tiêu lớn từ một số nguồn cung như Việt Nam, Indonesia và Brazil.