Giá nông sản ngày 16/8: Cà phê tăng nhẹ
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 48.600 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 48.500 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 49.100 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 49.000 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 49.000 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 48.900 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 49.000 đồng/kg, 48.900 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 49.000 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 48.500 - 49.100 đồng/kg.
Ảnh minh họa. Ảnh: Đinh Tỉnh
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tăng - giảm trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 9/2022 được ghi nhận tại mức 2.256 USD/tấn sau khi tăng 0,18% (tương đương 4 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 9/2022 tại New York đạt mức 225,5 US cent/pound, giảm 0,49% (tương đương 1,1 US cent).
Trong bối cảnh đại dịch và xung đột Nga - Ukraine khiến giá phân bón tăng vọt, người nông dân tại Albania (bán đảo Balkan, Đông Nam châu Âu), đã dùng cà phê - thức uống ưa thích của người dân địa phương, để chăm bón cho cánh đồng của mình.
Ông Alban Cakalli - một nông dân địa phương cho biết, mặc dù chỉ sở hữu nửa ha đất ở thị trấn Mamurras ở Tây Bắc Albania, song ông thậm chí vẫn không đủ tiền mua phân bón hóa học nhập khẩu từ nước ngoài.
Cũng như các khu vực khác trên thế giới, ngành nông nghiệp của Albania bị vùi dập bởi chi phí gia tăng, với giá nhiên liệu và phân bón tăng vọt sau khi Nga - nhà sản xuất lớn của cả hai mặt hàng này - xâm lược Ukraine.
Để hạn chế chi tiêu, ông Cakalli đã chuyển sang sử dụng bã cà phê - một nguyên liệu luôn sẵn có ở Albania, để tạo thành một loại phân bón tự nhiên cho cây trồng.
Trung bình một ngày, ông Cakalli cho biết ông có thể thu được tới 40kg bã cà phê. Quá trình chuyển đổi thành phân bón tốn khá nhiều thời gian và cần trải qua nhiều khâu, gồm trộn đất với các loại thảo mộc và sau đó ủ hỗn hợp trong ba tháng.
Tuy nhiên, thành phẩm cuối cùng được đánh giá là giàu nitơ, magie và kali, do đó có thể trở thành một chất thay thế tốt cho phân bón hóa học. Đồng thời, loại phân bón này còn có thể xua đuổi côn trùng hiệu quả.
Nhiều người trong số 280.000 nông dân nhỏ ở Albanian cũng đã quay trở lại các phương pháp truyền thống tương tự để đảm bảo chất lượng đất cho việc trồng trọt thay vì trả giá cao hơn cho phân bón nhập khẩu.
Giá nông sản ngày 16/8: Tiêu cao nhất đạt 72.000 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 70.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 72.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay ở mức 69.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 69.000 - 72.000 đồng/kg.
Giá tiêu đen cao hơn ở Ấn Độ đã thúc đẩy hoạt động nhập khẩu bất hợp pháp từ các quốc gia khác.
Trong khi giá các loại tiêu của Ấn Độ neo quanh mức 500 rupee/kg, tiêu từ các nước sản xuất lớn khác như Việt Nam, Brazil, Indonesia và Sri Lanka có giá dao động trong khoảng 300 - 400 rupee/kg.
Ông Kishor Shamji, nhà xuất khẩu hạt tiêu và Điều phối viên của Hiệp hội Thương nhân, Người trồng Hồ tiêu và Gia vị Ấn Độ tại bang Kerala, cho biết: “Một lượng lớn hạt tiêu của Việt Nam và Brazil đang được bán và tiêu thụ tại thị trường nội địa”.
“Lượng tiêu này đã đến được các thị trường tiêu thụ như Delhi, Mumbai, Kanpur, Ahmedabad và Indore dưới dạng khai báo là sắt vụn, phế liệu nhựa phế liệu và phế liệu giấy cũng như quần áo phế thải”.
Song song đó, hồ tiêu cũng đang được nhập khẩu từ Sri Lanka bằng cách lách các hạn chế về giá nhập khẩu thông qua các cảng Chennai, Nava Sheva, Mundra cũng như các kho container nội địa ở Kanpur và Ludhiana.
Ông Shamji cho biết, mặc dù thuế nhập khẩu 8%, trợ cấp xã hội 2% và thuế nhập khẩu tối thiểu 500 rupee/kg, lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Sri Lanka đã đạt đến 513 tấn trong tháng 6 năm nay.