Giá nông sản ngày 15/12: Cà phê đồng loạt tăng 200 - 300 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 41.100 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 41.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.800 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 41.800 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 41.700 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 41.800 đồng/kg, 41.700 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.800 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 41.000 - 41.900 đồng/kg.
Giá nông sản ngày 15/12: Cà phê đồng loạt tăng 200 - 300 đồng/kg. Ảnh: Hưng Liên
Trên thị trường thế giới, giá cà phê đồng loạt tăng. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2022 được ghi nhận tại mức 2.406 USD/tấn sau khi tăng 1,31% (tương đương 31 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2022 tại New York đạt mức 237,15 US cent/pound, tăng 0,19% (tương đương 0,45 US cent).
Theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2021, ngành cà phê Việt Nam chịu tác động nặng nề do làn sóng Covid-19 lần thứ 4.
Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng kể từ cuối tháng 9/2021, tuy nhiên xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê arabica của Việt Nam trong tháng 10/2021 đạt 1,71 nghìn tấn, trị giá 6,35 triệu USD.
Con số này đã tăng mạnh 65,3% về lượng và tăng 156,9% về trị giá so với ghi nhận vào tháng 10/2020,
Tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê arabica của Việt Nam chỉ đạt trên 46 nghìn tấn, trị giá 129 triệu USD, giảm 19,2% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá nông sản ngày 15/12: Tiêu tiếp tục đi ngang
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 82.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay ở mức 81.000 đồng/kg, đây là địa phương thấp nhất toàn miền.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 84.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, Bình Phước giá tiêu hôm nay ở mức 82.000 đồng/kg và 82.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 81.000 - 83.500 đồng/kg.
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, sản lượng hồ tiêu Việt Nam trong những năm qua đang có chiều hướng giảm. Năm 2019, sản lượng khoảng 290 nghìn tấn, năm 2021 còn 180 nghìn tấn.
Diện tích hồ tiêu của nước ta hiện nay khoảng 131 nghìn héc-ta, tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Nguyên nhân hồ tiêu giảm về sản lượng là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, sâu bệnh gây hại, chi phí đầu vào như phân bón tăng cao. Cùng với đó giá nhân công tăng cao lại khó thuê khi vào vụ thu hoạch ảnh hưởng đến thu nhập, nên nhân dân cũng không mặn mà đầu tư.
Đặc biệt, rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu ngày càng tăng; sự cạnh tranh gay gắt của các nước sản xuất hồ tiêu lớn trên thế giới như: Brazil, Indonesia, Campuchia...
Để giúp ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững, Liên minh châu ÂU (EU) đã hỗ trợ dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam, giai đoạn 2021-2023”. Dự án do tổ chức IDH Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Gia vị châu Âu đồng tổ chức thực hiện, tập trung vào các hoạt động như tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về canh tác bền vững cho nông dân sản xuất hồ tiêu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia sẽ hỗ trợ đào tạo, giám sát thực hành canh tác bền vững và quản lý sử dụng hóa chất nông nghiệp góp phần gia tăng sản lượng hồ tiêu đạt tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Từ đó, bảo đảm thu nhập ổn định cho nhân dân, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến phát triển hồ tiêu bền vững.
Theo bà Mạc Tuyết Nga-Quản lý dự án IDH, dự án triển khai ở ba tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai. Theo đó, có 10 nghìn hộ dân được hưởng lợi trực tiếp, giúp tăng thu nhập cho người trồng hồ tiêu, bảo đảm sản xuất an toàn theo hướng thân thiện với môi trường.
Mục tiêu đến năm 2023, thu nhập của các hộ dân được hưởng lợi từ dự án sẽ tăng thêm khoảng 15%.