Giá nông sản ngày 14/12: Cà phê trụ vững ở ngưỡng cao
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 40.800 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 40.700 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.500 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 41.500 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 41.400 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 41.500 đồng/kg, 41.400 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.500 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 40.700 - 41.600 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê điều chỉnh trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2022 được ghi nhận tại mức 2.375 USD/tấn sau khi giảm 0,04% (tương đương 1 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 12/2021 tại New York đạt mức 236,70 US cent/pound, tăng 1,76% (tương đương 4,10 US cent).
Các chuyên gia cà phê đã đến tham quan vành đai cà phê tại bang Minas Gerais của Brazil để kiểm tra triển vọng vụ mùa 2022 ngay khi giá tiếp cận mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Đây là một năm khó khăn đối với canh tác cà phê ở Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Giá tăng sau đợt hạn hán và sương giá đã hủy hoại tới 20% số cây cà phê, gây ảnh hưởng đến sản lượng trong tương lai.
Cho đến nay, những người nghiên cứu cây trồng đã đưa ra ước tính rộng rãi cho vụ thu hoạch năm 2022, mặc dù các thương nhân hiện vẫn đánh giá đây là một vụ mùa kém bội thu.
Giá cà phê arabica kỳ hạn trên Sàn ICE đã tăng hơn 90% trong năm nay do thời tiết không thuận lợi, bên cạnh tình trạng thiếu container toàn cầu gây cản trở cho việc vận chuyển.
Việc giá cả tăng vọt đã khiến nông dân ở Brazil, Colombia và các quốc gia trồng cà phê lớn khác bị kiện vì không thể giao hàng theo thỏa thuận trước đó, khiến các thương gia phải chịu cảnh thua lỗ.
Ảnh minh họa. Ảnh: Trình Nhị
Giá nông sản ngày 14/12: Tiêu cao nhất 83.500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 82.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay ở mức 81.000 đồng/kg, đây là địa phương thấp nhất toàn miền.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 84.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, Bình Phước giá tiêu hôm nay ở mức 82.000 đồng/kg và 82.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 81.000 - 83.500 đồng/kg.
Theo đánh giá, thị trường trong nước hiện khá im ắng, các công ty đồng loạt ngưng mua, phần vì đã trữ đủ hàng cho xuất khẩu tháng 12/2021, phần để nghe ngóng thị trường và chuyển dòng vốn sang cà phê đang vào vụ.
11 tháng năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu giảm 6,7% về lượng so với năm ngoái, đạt 247.000 tấn nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 54,4% nên trị giá xuất khẩu vẫn tăng 44%, đạt 868 triệu USD.
Lượng hàng tồn trong nội địa hiện ước còn 25.000 tấn, giảm nhiều so với những năm trước. Tuy vậy, lượng mua trữ tiêu cũng thấp hơn nhiều, vì năm nay giá tiêu cao, sắp tới không biết còn biến động như thế nào nên các kho ngưng mua. Điều này dẫn dòng tiền bị tắc, đẩy thị trường như "chiếc lò xo bị nén" cho những tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, mấy năm vừa qua, nguồn cung dồi dào, giá thấp nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mua trữ và khả năng một thời gian ngắn nữa mới tiêu thụ hết số hàng trữ này. Lúc đấy sẽ lộ rõ việc cần hàng để tiêu thụ, buộc phải mua nguyên liệu hồ tiêu mà chủ yếu là từ Việt Nam với gần 60% lượng hàng nguyên liệu hồ tiêu của thế giới.
Với những phân tích trên, các chuyên gia đánh giá đà tăng của hồ tiêu vẫn còn rất sáng sủa, nhưng nhiều rủi ro với người trồng.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai, với người nông dân, trong bối cảnh này việc sản xuất hồ tiêu cần có đủ 2 điều kiện cơ bản là: Kiến thức về trồng hồ tiêu và nắm bắt thị trường kịp thời của ngành hàng hồ tiêu và khả năng đầu tư, chăm sóc hồ tiêu để trồng mới vườn tiêu cũng như tiếp tục chăm sóc vườn tiêu hiện có.
Các chủ vườn cần nắm vững các yêu cầu cụ thể như sau: Không tái canh trên vườn tiêu cũ đã chết, chọn đất phù hợp với sự phát triển của cây hồ tiêu, chọn giống tốt, nên trồng xen canh hơn là trồng thuần, nên trồng tiêu trên cây trụ sống, nên đắp mô ở gốc không nên tạo bồn, nên để cỏ trong vườn tiêu, không nên làm sạch cỏ, sử dụng công nghệ tưới phun mưa tại gốc hoặc tưới nhỏ giọt, chăm bón vườn tiêu theo hướng hữu cơ sinh học để vườn tiêu phát triển bền vững và ít bị sâu bệnh hại.