Giá cà phê hôm nay 23/3 giảm nhẹ
Theo khảo sát, giá cà phê nguyên liệu hôm nay tại Tây Nguyên giảm nhẹ từ 100-200 đồng so với hôm qua. Cụ thể, tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Cư M'gar (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk), Ia Grai (Gia Lai), Gia Nghĩa (Đắk Nông) giá cà phê nguyên liệu hôm nay đồng loạt giảm 200 đồng/kg.
Ảnh minh họa
Còn tại các địa phương như Lâm Hà (Lâm Đồng), Ea H'leo (Đắk Lắk), Đắk Hà (Kon tum) giá cà phê cũng giảm nhẹ 100 đồng/kg. Riêng tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay vẫn giữ nguyên mức 36.600 đồng/kg so với hôm qua.
Hiện, giá cà phê Tây Nguyên được giao dịch ở mức 36.500 – 37.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta giao tháng 5 chốt phiên 22/3 ở 1.770 USD/tấn, giảm 0,62% so với phiên trước đó. Giá robusta giảm một phần vì thông tin Indonesia sẽ rộ thu hoạch vụ cà phê nhỏ trong tháng tới, và nguồn cung sẽ tăng trở lại.
Ngược lại, giá arabica giao tháng 5 tại New York tăng 0,17% lên 1,212 USD/pound. Mặc dù đã phục hồi nhưng giá arabica vẫn ở sát đáy 9 tháng. Thị trường arabica phục hồi sau khi sàn ICE công bố thông tin rằng, tổng số hợp đồng mở trên sàn tăng 8 phiên liên tiếp lên kỷ lục 265.940 hợp đồng tính đến ngày 21/3.
Giá hồ tiêu hôm nay tăng 1000-2000 đồng/kg
Giá hồ tiêu nguyên liệu tại khu vực phía Nam hôm nay tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thu mua hồ tiêu nguyên liệu ghi nhận tăng 1.000 đồng/kg tại Bà Rịa – Vũng Tàu, và tăng 2.000 đồng/kg tại Gia Lai (huyện Chư Sê). Hiện giá tiêu được các doanh nghiệp và thương lái thu mua quanh mức 51.000 – 54.000 đồng/kg. Đây vẫn là mức giá thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Ảnh minh họa
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã ước báo năng suất hồ tiêu năm nay giảm mạnh, có thể lên tới 30% do thời tiết không thuận lợi và nhiều diện tích trồng tiêu bị sâu bệnh các loại làm mất trắng hoặc cho thu hoạch không đáng kể.
Năng suất giảm, giá xuống thấp kỷ lục không chỉ khiến cho chủ vườn chán nản mà nhân công thu hái cũng xuất hiện tâm lý uể oải, tiêu cực khi nhìn thấy hiệu quả ngày công thấp nên đã tìm kiếm việc làm khác để có hứng thú lao động hơn. Vào lúc này, tại nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm ở Tây nguyên, để thu hút và động viên nhân công, chủ vườn đã áp dụng biện pháp ăn chia sản phẩm thu hoạch thay vì trả tiền lương. Khá phổ biến là mức ăn chia giữa chủ vườn và công hái lên tới 50/50.
Một Thương nhân địa phương cho biết, nếu các năm trước chủ vườn chỉ cần bán một lượng nhỏ hạt tiêu là đủ để thanh toán tiền công hái thì năm nay phải bán nhiều hơn gấp hai ba lần. Người dân hái tiêu cũng không có nhu cầu cất trữ nên số tiêu được chia cũng được họ bán ngay. Không chỉ vì thế nguồn cung hạt tiêu trong nước đã tăng mạnh làm giá tiêu rớt thảm mà còn một lượng hạt tiêu không nhỏ từ Campuchia được các nhà kinh doanh xuất khẩu ở phía Nam mua qua đường biên mậu cũng góp phần làm giá tiêu trong nước giảm sâu.
Tuy nhiên, hiện tượng ăn chia nói trên chỉ xảy ra phổ biến ở những vườn tiêu có diện tích nhỏ, năng suất thấp, ít chăm bón, trồng theo phong trào. Còn những vườn tiêu có diện tích lớn, chủ vườn có tiềm lực tài chính, được đầu tư cẩn thận vẫn tương đối ổn định.
Theo các nguồn tin thị trường, tiêu Việt Nam xuất khẩu vẫn chào bán với giá ổn định, trong khi thị trường nội địa đã xuất hiện lực mua đầu cơ nhỏ lẽ cũng góp phần giúp đà giảm chững lại.