Giá cà phê hôm nay 2/2 tăng ngày thứ hai liên tiếp
Theo khảo sát, giá cà phê hôm nay tại một số khu vực thuộc Tây Nguyên đã trở lại mốc 37.000 đồng/kg, tín hiệu vui trong bối cảnh nhiều hộ trồng đang phải tính toán bán ra thời điểm trước tết.
Theo đó, một số huyện ở Đắk Lắk và Gia Lai ghi nhận tăng thêm 100 đồng/kg so với hôm qua lên lại mốc 37.000 đồng/kg.
Các vùng khác như Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum giá cà phê hôm nay giao dịch từ 36.500 - 36.800 đồng/kg.
Tại khu vực cảng TP. Hồ Chí Minh, giá cà phê robusta xuất khẩu loại 1 cũng tăng nhẹ 100 đồng, lên 38.600 đồng/kg trong sáng nay.
Thị trường cà phê tuần qua nhìn chung vẫn giao dịch chậm chạp dù xu hướng giá khả quan hơn. Nông dân giữ tâm lý găm hàng sau đợt giảm mạnh của giá robusta thế giới vừa qua; trong khi các doanh nghiệp rang xay lại đẩy mạnh mua, lợi dụng thời điểm giá thấp.
So với giá hợp đồng robusta giao tháng 5 tại London, giá robusta loại 2 5% đen vỡ của Việt Nam thấp hơn khoảng 40 – 100 USD/tấn.
Mức tăng của giá cà phê Tây Nguyên hôm nay khá hạn chế vì giá robusta trên thị trường thế giới giảm nhẹ trong phiên hôm qua. Cụ thể, giá robusta giao tháng 3 giảm 0,2% xuống 1.743 USD/tấn; và giá arabica giao trong cùng kỳ cũng giảm 0,1% xuống 1,217 Uscent/pound.
Giá nông sản hôm nay 2/2: Cà phê tăng lên 37.000 đ/kg, giá hồ tiêu ổn định
Giá tiêu hôm nay 2/2 không đổi, cao nhất đạt 65.000 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh phía Nam không đổi, song vẫn giao dịch ở mức thấp, giá phổ biến từ 62.000 - 65.000 đồng/kg. Cụ thể, giá hồ tiêu nguyên liệu cao nhất là tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 65.000 đồngkg và thấp nhất là tại Đồng Nai, duy trì ở mức 62.000 đồng/kg.
Tại Ấn Độ, giá tiêu giao ngay tiếp tục tăng vì nguồn cung eo hẹp. Cụ thể, giá tiêu giao ngay tăng thêm 200 rupee lên 41.600 - 43.600 rupee/tạ.
Theo người dân, mặc dù vẫn áp dụng kỹ thuật chăm sóc như mọi năm nhưng do năm nay thời tiết diễn biến bất thường đã ảnh hưởng đến việc cây tiêu ra hoa, đậu trái, đặc biệt là giống Vĩnh Linh. Lá già rụng muộn, tay non ra dài nhưng không có bông. Cây vẫn xanh tốt, cành lá xum xuê nhưng trái thì không có.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh cho biết: Mặc dù vẫn đang trong vụ thu hoạch nhưng ước tính năng suất tiêu Vĩnh Linh năm này giảm 50-60%. Những giống tiêu khác cũng ảnh hưởng nhưng mức độ nhẹ hơn, khoảng 10-15%. Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của người dân Lộc Ninh nhưng giờ rơi vào cảnh mất mùa, rớt giá khiến cuộc sống nông dân gặp nhiều khó khăn.
Theo quy hoạch phát triển hồ tiêu của Bình Phước đến năm 2020 sẽ ổn định diện tích 12.000 ha, thế nhưng hiện nay toàn tỉnh đã có gần 14.500 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu tại Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập và Hớn Quản. Trong đó, hơn một nửa diện tích trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, còn lại đang thu hoạch. Sản lượng hằng năm đạt khoảng 5.000 tấn. Do mở rộng diện tích hồ tiêu một cách ồ ạt nên người dân không tránh khỏi những hệ lụy kèm theo.