Giá heo hơi miền Bắc
Khảo sát sáng ngày 7/5 cho thấy thị trường heo hơi phía Bắc tiếp tục lặng sóng. Hiện tại, thương lái tại khu vực này thu mua heo hơi với giá từ 66.000 - 67.000 đồng/kg.
Trong đó, mức 66.000 đồng/kg xuất hiện tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình và Tuyên Quang. Đây cũng là mức giao dịch thấp nhất cả nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo hơi miền Trung - Tây Nguyên
Tương tự, khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng chứng kiến heo hơi giữ giá đi ngang tại các địa phương trong sáng nay.
Heo hơi tại các địa phương trong khu vực này hiện có giá bán chênh lệch khá nhiều, dao động trong khoảng 67.000 - 74.000 đồng/kg. Trong đó, Bình Thuận là tỉnh có giá heo hơi cao nhất vùng, đạt 74.000 đồng/kg.
Giá heo hơi miền Nam
Thị trường heo hơi phía Nam ghi nhận biến động tại Cà Mau và Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng về giá 73.000 đồng/kg. Theo đó, heo hơi tại khu vực này đang được mua bán với giá từ 73.000 - 74.000 đồng/kg.
Cụ thể, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh, Trà Vinh và Cà Mau là những tỉnh giữ giao dịch tại mức 73.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.
Sau kỳ nghỉ lễ, sức tiêu thụ thịt heo trên thị trường vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Các chợ đầu mối vẫn ghi nhận lượng giao dịch thấp hơn so với kỳ vọng, trong khi nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học mới hoạt động trở lại nên chưa có nhu cầu lớn.
Dù vậy, giới chuyên gia vẫn cho rằng thị trường heo hơi đang trong giai đoạn điều chỉnh kỹ thuật, và hoàn toàn có khả năng bật tăng trở lại trong nửa cuối tháng 5 nếu lực cầu nội địa hồi phục và doanh nghiệp chế biến tăng gom hàng trở lại.
Trong ngắn hạn, người chăn nuôi nên theo dõi sát giá tại địa phương, tránh bán tháo khi giá giảm nhẹ. Việc duy trì đàn ổn định và đảm bảo công tác phòng dịch là yếu tố then chốt giúp chớp thời cơ khi giá tăng trở lại.
Thương lái cũng cần linh hoạt trong hoạt động thu mua, theo sát nhu cầu của các đầu mối phân phối, nhất là trong bối cảnh biến động cục bộ giữa các vùng đang diễn ra rõ rệt.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội vừa được Cục Thống kê công bố, trong 4 tháng đầu năm, hoạt động chăn nuôi heo trên cả nước phát triển nhờ công tác kiểm soát dịch tả heo châu Phi hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong kỳ nghỉ lễ đã tạo động lực cho người chăn nuôi tái đàn, đầu tư cải tạo chuồng trại, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tính đến cuối tháng 4, tổng đàn heo tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 27/4, dịch tả heo châu Phi còn ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Nghệ An, Đắk Nông, Bình Phước, Hậu Giang và Cà Mau chưa qua 21 ngày.