Giá heo hơi miền Bắc
Khu vực miền Bắc tiếp tục ghi nhận giá heo hơi duy trì đi ngang trong sáng ngày 6/5, với giá bán ra dao động từ 66.000 - 67.000 đồng/kg.
Cụ thể, mức giao dịch cao nhất khu vực là 67.000 đồng/kg xuất hiện tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nam Định và Phú Thọ.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo hơi miền Trung - Tây Nguyên
Thị trường miền Trung - Tây Nguyên ghi nhận giá heo hơi giảm nhẹ tại Huế, Bình Định và Lâm Đồng, lần lượt về mức 69.000 đồng/kg, 70.000 đồng/kg và 73.000 đồng/kg.
Hiện tại, giá heo hơi giữa các địa phương trong khu vực này có sự chênh lệch khá lớn, dao động trong khoảng 67.000 - 74.000 đồng/kg.
Giá heo hơi miền Nam
Thị trường heo hơi phía Nam cũng chứng kiến sự đi xuống tại nhiều địa phương, gồm Bình Dương, Tây Ninh, Long An và Trà Vinh, cùng về giá 73.000 đồng/kg.
Khảo sát mới nhất cho thấy heo hơi tại khu vực này đang được các thương lái thu mua với giá từ 73.000 - 74.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia chăn nuôi, giá heo hơi giữ được mức bình quân 70.000 đồng/kg, trong khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm, đã mang lại lợi nhuận khá cao cho các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi.
Tuy nhiên, việc tái đàn đang gặp khó khăn do giá con giống tăng mạnh và thiếu hụt cục bộ.Hiện giá heo giống dao động khoảng 1,5 – 2,2 triệu đồng/con heo giống 7 – 10 kg, chiếm đến 30% giá thành sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, giá thịt lợn chiếm khoảng 65% và ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Do đó, việc cơ cấu ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn cần có thời gian, lộ trình và được tính toán một cách kỹ lưỡng, khoa học, tránh tâm lý "ồ ạt" như thời gian qua.
"Giá lợn hơi tăng cao mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng đặt ra bài toán kiểm soát lạm phát. Cục Chăn nuôi và Thú y cần hướng dẫn địa phương tăng cường tái đàn nhưng phải đảm bảo an toàn sinh học, sớm ổn định nguồn cung thực phẩm, đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
TTXVN đưa tin, qua khảo sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh, từ đầu tháng 4 đến nay, giá thịt gia súc, gia cầm đều tăng nên nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đã tái đàn và tăng số lượng con nuôi. Tuy nhiên, việc tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm của hộ chăn nuôi trong tỉnh đạt tỷ lệ còn thấp.
Cụ thể, số lượng tiêm phòng bệnh cúm gia cầm từ đầu năm đến nay gần 1,1 triệu con, đạt gần 35% so với kế hoạch; tiêm phòng bệnh lở mồm long móng gia súc hơn 78.470 con, đạt 24% kế hoạch; tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục đàn trâu bò 5.400 con, đạt 4% kế hoạch; tiêm phòng bệnh dịch tả heo châu Phi 7.500 con, đạt 5% kế hoạch.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh, cho biết, hiện ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Môi trường các huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi thực hiện đầy đủ việc tiêm phòng bệnh và lập sổ theo dõi tiêm phòng vaccine.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cử cán bộ thú y cùng các xã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi an toàn cho đàn gia súc, sử dụng nệm lót sinh học chăn nuôi đàn gia cầm. Song song, yêu cầu hộ chăn nuôi nâng cao ý thức chăn nuôi an toàn, thông báo kịp thời về xảy ra dịch bệnh nguy hiểm đàn vật nuôi gia đình cho chính quyền, đơn vị chức năng xử lý tránh dịch bệnh lây lan diện rộng.