Theo thống kê giá gạo xuất khẩu các nước của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đến ngày 12/8 cho thấy, giá gạo Việt Nam đã bắt đầu hồi phục trở lại sau chuỗi ngày giảm và neo ở mức thấp.
Cụ thể, thời điểm đầu tháng 8, giá FOB gạo trắng 5% tấm của Thái được giao dịch ở mức 460 USD/tấn, cao hơn 90 USD so với gạo đồng hạng của Ấn Độ trong khi gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu giá cao nhất 452 USD/tấn.
Chỉ 1 tuần sau đó, cũng loại gạo này, Việt Nam xuất khẩu với giá 468 - 472 USD/tấn, gạo Thái lên 468 USD/tấn.
Từ ngày 8/8 đến nay, trên thị trường thế giới, giá gạo Việt Nam dao động ở mức 478 - 482 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với mức giá đầu tháng. Với mức này, gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan.
Nguyên nhân là do thời gian qua, đồng bath Thái tiếp tục tăng giá so với đồng USD và chi phí sản xuất tăng đã khiến giá gạo Thái Lan neo ở mức cao, dẫn đến sức cạnh tranh giảm.
Hiện tại, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, Chính phủ nước này đang cân nhắc thay đổi chính sách trong xuất khẩu gạo, nhằm lấy lại đà cạnh tranh với gạo các nước xuất khẩu khác như Việt Nam, Ấn Độ. Các chính sách thay đổi sẽ tập trung vào marketing, giảm chi phí sản xuất, nghiên cứu các giống gạo mới...
Thái Lan sẽ tập trung vào 3 phân khúc, gồm cao cấp (gạo hương, gạo hom mali), đại trà (gạo trắng, gạo đồ...) và đặc biệt (gạo đặc biệt, gạo nếp).
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), 7 tháng đầu năm, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt gần 3,9 triệu tấn và 1,9 tỉ USD, giảm 1,4% về lượng nhưng tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện nay Philippines đứng thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với gần 37% thị phần. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu gạo có giá trị tăng mạnh nhất là Senegal (gấp 19,6 lần đạt 41.100 tấn), Indonesia (gấp 2,8 lần đạt 45.200 tấn) và Trung Quốc (tăng 88,9% đạt 457.600 tấn). Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tập trung hàng để hoàn tất các hợp đồng đã ký với những đối tác nước ngoài Malaysia, Philippines và Cuba.
Theo Bộ công thương, do tác động của dịch COVID-19 nên các nước vẫn tích trữ lương thực đẩy mạnh nhập khẩu gạo. Nhu cầu từ Trung Quốc có thể sẽ tăng lên do những trận lũ lụt lớn ở nước này. Cùng với đó, dịch bệnh ở Ấn Độ đã gây ra những cản trở về logistics, trong khi lũ lụt ở Bangladesh gây thiệt hại nghiêm trọng cho mùa màng. Đây là cơ hội để lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trong những tháng tới.