Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 3,9 triệu tấn, tương đương 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất cùng kỳ các năm từ 2013 cho đến nay.
Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa. (Ảnh: TTXVN)
Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng năm 2023 ước đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 4 tháng năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,4%, đạt 1,29 triệu tấn với 647,5 triệu USD, tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia gấp 26,3 lần. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (giảm 49,8%).
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm nay xuất khẩu gạo gặp thuận lợi nhất do hu cầu nhập khẩu tại thị trường cũ như Philippines, Trung Quốc và Malaysia đều tăng mạnh. Cùng với đó, gạo xuất khẩu sang các thị trường mới như Indonesia, một vài quốc gia châu Phi tăng đột biến.
Ngoài ra, Việt Nam đang có thêm nhiều cơ hội khi sản lượng gạo của Ấn Độ và Thái Lan bị ảnh hưởng vì El Nino khiến năng suất giảm. Trong khi đó, chiến sự Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực trên toàn cầu tăng.
Hiệp hội dự báo hết năm, xuất khẩu gạo có thể chỉ đạt 6,3-6,5 triệu tấn, thấp hơn so với 2022. Năm nay, ngoài nguồn cung phải giữ lại để gối đầu cho vụ kế tiếp, một phần còn dùng bù đắp lượng gạo nhập khẩu dùng cho chế biến thực phẩm đang giảm mạnh.