Xuất siêu gần 5,2 tỷ USD
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong tháng 4/2025, xuất khẩu nông sản đạt 5,47 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong 4 tháng qua đã lên con số 21,15 tỷ USD, tăng 10,7%.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ghi nhận có 6 mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD; 2 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD và hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Trần Gia Long cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu nông sản sang một số châu lục tăng mạnh. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 4,83 tỷ USD, tăng 12,6%; châu Âu đạt 3,48 tỷ USD, tăng 37,7%; châu Phi đạt 648 triệu USD, tăng 78,4%.
Thặng dư xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm 2025 của Việt Nam đạt gần 5,2 tỷ USD.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,5% (tăng 10,2%) và Nhật Bản chiếm 7,5% (tăng 23,3%); trong khi thị trường Trung Quốc chiếm 17,1% (giảm 1,1%).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2025 của ngành nông nghiệp đạt 15,97 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, xuất siêu nhóm ngành hàng nông sản của Việt Nam ước đạt gần 5,2 tỷ USD trong 4 tháng đã qua của năm 2025.
Đa dạng hóa thị trường
Trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản khoảng 64 - 65 tỷ USD. Đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, khó lường, xung đột vẫn diễn ra và sức mua trong nước có giới hạn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, để đạt được các mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang chỉ đạo rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu.
Tiếp tục dành sự ưu tiên cho phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn, hiện đại, có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến; kết hợp với việc phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo sự đồng bộ, gắn kết, lan tỏa theo chuỗi.
Liên quan đến thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do, nhất là CPTPP, EVFTA, các hiệp định khu vực và song phương với các nước.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại đối với những thị trường lớn bao gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu. Đàm phán mở cửa những thị trường mới, đặc biệt là các thị trường còn nhiều tiềm năng như: Halal, Trung Đông, châu Mỹ… với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu; xây dựng hệ thống logistics chuyên biệt cho nông sản, giảm chi phí vận chuyển, bảo quản. Đồng thời, hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn, có tiềm năng…
“Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành chính sách thuế mới lên các loại hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam nói chung lên mức 46% sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu nông sản, nhất là đối với nhóm ngành hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Tuy nhiên, Bộ đã xây dựng kịch bản, phương án để chủ động ứng phó nhằm duy trì giá trị xuất khẩu cho năm nay…” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến. |