Trái ngược với xu hướng giảm của nhiều các mặt hàng thuộc nhóm nông sản, xuất khẩu mặt hàng gạo đã tăng mạnh sau khi Chính phủ cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ ngày 1/5.
Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản vừa cho biết, thị trường gạo xuất khẩu thế giới tháng 5 tiếp tục sôi động khi một số nước có nhu cầu mua để làm đầy kho dự trữ đề phòng trường hợp Covid-19 kéo dài. Giá gạo xuất khẩu trên thế giới duy trì ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm.
Uớc tính của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 tăng mạnh 47% về lượng và 55,3% về trị giá so với tháng 4/2020, đồng thời tăng 11,7% về lượng và 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 750 nghìn tấn, trị giá 395 triệu USD.
Với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay.
Đáng chú ý, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 cũng tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua với giá bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 4/2020 và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 5 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu gạo của nước ta đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 485 USD/tấn.
Hiện giá gạo bình quân ngày 3/6, của loại 5% tấm ở mức 473-477 USD một tấn. Riêng gạo Jasmine (gạo thơm dẻo) đang có giá cao nhất là 558-562 USD một tấn.
Trước đó, giá gạo Việt Nam năm 2019 dao động 376-420 USD một tấn. Còn giá gạo năm 2018 quanh mức 380-502 USD một tấn.
Với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,11 triệu tấn, trị giá 43,046 triệu baht (1,387 tỷ USD), giảm mạnh 32,1% về lượng và 15,7% về trị giá so với mức 3,11 triệu tấn trị giá 51,07 triệu baht (1,62 triệu USD) của cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo đang đứng trước cơ hội lớn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp có hiệu lực. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, EVFTA có hiệu lực có thể không khiến kim ngạch xuất khẩu gạo tăng đột biến, song sẽ là cơ hội rất lớn để đa dạng hóa thị trường cho gạo xuất khẩu. Việc có mặt ở một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất thế giới cũng là cơ hội cho gạo Việt Nam quảng bá thương hiệu và vào được nhiều thị trường khác.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mặc dù hạn ngạch xuất khẩu gạo sang EU chỉ 80.000 tấn nhưng gạo xuất qua thị trường này là sản phẩm chất lượng cao. Đặc biệt, các tiêu chuẩn của thị trường EU rất cao nên khi gạo Việt vào được EU thì vị thế sẽ được nâng cao hơn trên thị trường quốc tế.
Cùng với EVFTA, năm 2020, một số thuận lợi khác cũng đến với gạo Việt khi trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc về việc nước này thuế hóa mặt hàng gạo trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc hai văn bản là Thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và 5 đối tác WTO (gồm Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam), về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan; Thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20 nghìn tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 496 triệu tấn, giảm 0,6% so với năm 2019, trong khi tiêu dùng gạo thế giới đạt 490 triệu tấn, tăng khoảng 0,9% so với năm 2019.
Cục chế biến dự báo, nhu cầu gạo trên thế giới vẫn còn tăng mạnh. Philippines đang tìm nguồn nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo để tăng cường kho dự trữ Chính phủ và chuẩn bị cho mùa có nguồn cung thấp điểm vào quý III.
Bangladesh cũng mua thêm 200.000 tấn lúa từ vụ thu hoạch đang diễn ra để đảm bảo nguồn cung cho các hoạt động cứu trợ nội địa trong bối cảnh đại dịch lây lan ở nước này.
Còn Trung Quốc hiện đã thực hiện 95% mục tiêu tự túc lương thực (gạo, ngô, lúa mì) nhưng vẫn cho phép nhập khẩu một lượng nhất định thông qua hệ thống hạn ngạch phi thuế quan (TRQ). Theo đó, nước này cho phép các thương nhân trong nước nhập khẩu với mức thuế suất chỉ còn 1% so với mức ngoài hạn ngạch 65%.
Thương mại gạo toàn cầu năm 2021 dự báo sẽ đạt 45,2 triệu tấn, tăng hơn 5% so với năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn gần 3 triệu tấn của mức kỷ lục 48,1 triệu tấn năm 2017. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan, Việt Nam, Australia, Campuchia và Trung Quốc sẽ tăng trong năm 2021.
Trong năm 2021, dự báo Philippines sẽ tăng lượng nhập thêm 800.000 tấn. Các thị trường như Nigeria, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 200.000 tấn gạo mỗi nước…
Tính trong 4 tháng đầu năm, Philippines dẫn đầu thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 40,5% thị phần, khối lượng đạt 902,1 nghìn tấn tương đương 401,3 triệu USD.
Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh khác là Trung Quốc và Indonesia (gấp 2,7 lần), Đài Loan (tăng 67,9%) và Ghana (tăng 39,3%).