Nông dân xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) tập trung lúa thu hoạch bán cho thương lái. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 22/4, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị về tình hình lượng gạo hàng hóa ở cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Theo đó, tại Hội nghị này nhiều ý kiến của lãnh đạo đạo các địa phương ĐBSCL và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã đề nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính, Hải quan phối hợp với nhau sớm giải quyết lượng gạo đang nằm tại cảng đang gây tốn kém rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
Đại diện UBND tỉnh Long An cho rằng, hiện nay nguồn cung tốt, sản lượng dư xuất khẩu vào trong nước, Việt Nam không thiếu. Về đề xuất không nên xuất gạo tẻ, hiện chúng ta đã đảm bảo an ninh lương thực thì cần phải xem xét mở lại, quan trọng là giải pháp.
Cũng theo UBND tỉnh Long An, Chính phủ nên giao địa phương lưu kho đảm bảo an ninh lương thực chứ không cần giao cho kho của Tổng cục Dự trữ, cứ phân bổ cho các địa phương, ai vi phạm có chế tài, các địa phương phải cam kết.
Vì vậy, tỉnh Long An đề xuất Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường không cần phải cấp hạn ngạch.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thống nhất với ý kiến của tỉnh Long An vì các tỉnh đã báo cáo đầy đủ với Bộ NN&PTNT. Các doanh nghiệp đã mở tờ khai hơn 43.000 tấn gạo từ tháng 3, thiệt hại rất lớn, hiện Cần Thơ đã giao tới cảng là 76.000 tấn gạo. Trước hết mở cho tờ khai thông quan trong tháng 3 và sắp tới các tờ khai đã giao tại cảng.
Đại diện tỉnh Kiên Giang cũng cho biết đồng tình với các ý kiến các địa phương trên, hiện số lượng gạo các doanh nghiệp của tỉnh tồn tại cảng lên tới 12.000 tấn. Trước mắt, cần cho xuất khẩu ngay gạo tồn tại cảng, sau đó cho xuất lại bình thường không cần hạn ngạch.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Hồ Hiền - giám đốc chi nhánh Công ty CP Lương thực Bình Định (Bidifood) - cho biết, hiện nây công ty có gần 10.000 tấn gạo công đưa đến cảng Mỹ Thới trước ngày 24/3, nhưng vẫn chưa thể xuất khẩu vì tờ khai hải quan bỗng nhiên bị mất trên hệ thống.
Điều này, theo ông Hiền, đồng nghĩa với việc các lô gạo này của Bidifood không được thông quan. Do hàng hóa bị "ngâm" từ ngày 23/3 tới nay, doanh nghiệp này đã bị thiệt hại nặng, với chi phí phải chi ra lên tới 200 triệu đồng/ngày.
Khó khăn chồng chất khó khăn, ông Hiền cho biết thêm, đến ngày hôm nay ngày 22/4, doanh nghiệp vận tải có hai con tàu chở gạo đã chính thức thông báo phạt chúng tôi gần 200.000 USD, chưa kể gần 10.000 tấn gạo trên sà lan đợi lên tàu.
Vì vậy, công ty chúng tôi có nguy cơ sụp đổ. Đề nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính giải oan cho chúng tôi", ông Hiền bức xúc.
Trước những bức xúc của địa phương cũng như doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết hội nghị sẽ tiếp tục lắng nghe các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp về tình hình lượng gạo tồn tại cảng và đề xuất các giải pháp cho công tác điều hành xuất khẩu gạo.
"Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ phải hoàn thành báo cáo Thủ tướng trong ba ngày tới. Hiện xuất khẩu gaọ nếp cho phép xuất khẩu bình thường theo nhu cầu nhưng hải quan vẫn chưa làm thủ tục. Vì vậy, sáng nay (22/4) Bộ Công Thương đã Công văn số 2824 hỏa tốc gửi Tổng cục Hải quan, cho phép xuất khẩu nếp kịp thời cho doanh nghiệp" - ông Khánh cho biết.
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, vụ đông xuân 2019-2020, toàn vùng Nam bộ xuống giống hơn 1,6 triệu ha, giảm 68.500 ha, năng suất ước đạt 69,35 tạ/ha, tăng 2,05 tạ/ha; sản lượng ước đạt 11,2 triệu tấn, giảm 129.000 tấn so với vụ đông xuân 2018–2019. Trong đó, các tỉnh ĐBSCL xuống giống 1,54 triệu ha, giảm 63.000 ha; năng suất ước đạt 69,79 tạ/ha, tăng 2,01 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10,7 triệu tấn, giảm 118.000 tấn. Nhìn chung, tình hình xuống giống vụ đông xuân 2019-2020 tại các tỉnh ĐBSCL được triển khai sớm từ 20-30 ngày so với vụ đông xuân năm trước. Thời tiết thuận lợi giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít; cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt. Tình hình hạn mặn về sớm, lấn sâu và kéo dài, nhưng nhờ chủ động nên vụ đông xuân ở ĐBSCL cơ bản được mùa. |