Công ty Trung An là doanh nghiệp (DN) liên tục trúng thầu bán gạo cho Hàn Quốc với giá cao trong thời gian gần đây.
Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ (phải) trao giấy khen cho Công ty Trung An - Ảnh: HV
Cụ thể, hôm 14/5, Hàn Quốc mở thầu nhập khẩu 3 lô gạo với tổng khối lượng 23.222 tấn. Có nhiều DN Việt Nam tham gia đấu thầu, trong đó Công ty Trung An trúng thầu 2 lô với tổng khối lượng 22.222 tấn (chủng loại là gạo lứt hạt dài) và sẽ được giao trong tháng 9 và tháng 10/2021.
Trong đó, một lô có khối lượng 11.111 tấn có giá 572 USD/tấn và lô còn lại (11.111 tấn) có giá 578,5 USD/tấn (giá CIF - giá giao hàng tại điểm đến của bên mua). Nếu trừ đi cước tàu và các loại phí bốc xếp, thông quan, quy ra giá FOB (giá giao hàng tại cảng của bên bán - PV) tại Việt Nam sẽ còn trung bình hơn 500 USD/tấn, là mức giá khá tốt.
Trước đó, hồi đầu tháng 4 năm nay, Công ty Trung An cũng đã trúng thầu bán 11.236 tấn gạo cho Hàn Quốc với mức giá 584 USD/tấn, trừ đi cước vận chuyển 50 USD/tấn, còn lại 534 USD/tấn.
Được biết, trước đây Hàn Quốc cho Việt Nam đấu thầu bán gạo tự do, nhưng hiện nay áp dụng hạn ngạch nhập khẩu từ Việt Nam một lượng gạo nhất định hàng năm và năm 2021 là hơn 50.000 tấn…
Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty Trung An - Ảnh: GL
Theo ông Hà Vũ Sơn – Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ, đây là sự nỗ lực của tập thể, cán bộ Công ty Trung An trong việc tham gia đấu thầu, XK gạo sang Hàn Quốc, một thị trường khó tính trong nhập khẩu gạo. “Sự nỗ lực này đáng được biểu dương, vừa góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa góp phần phát triển kinh tế của TP Cần Thơ”, ông Sơn nói.
Hồi tháng 1/2021, cũng tại Công ty Trung An, Bộ NN&PTNT và UBND TP Cần Thơ tổ chức lễ XK lô hàng gạo đầu năm 2021. Lô hàng có tổng khối lượng 1.600 tấn do DN này xuất đi hai thị trường Singapore và Malaysia, là hai thị trường thuộc nhóm 10 nước có kim ngạch lớn nhất trong tổng XK gạo của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương, DN cần quan tâm đến phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản sạch vừa mang giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường.
Tăng cường chế biến để tạo giá trị gia tăng, việc làm và tận dụng tốt nhất ưu đãi thuế quan nhờ các hiệp định tự do hóa thương mại hiện nay đối với các mặt hàng nông sản. DN cùng với nhà nước, nông dân liên kết chặt chẽ để đảm bảo các điều kiện XK như vấn đề như nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… để mở rộng thị trường XK...