Hàng loạt DN “xù” cung cấp gạo vào kho dự trữ quốc gia
Thực hiện quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 21/1 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch giao chỉ tiêu dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2020. Ngay từ những ngày đầu tháng 3/2020, nhiều Cục DTNN ở các khu vực đã tổ chức đấu thầu cung cấp gạo vào kho DTQG năm 2020. Nhiều DN đã trúng thầu, tuy nhiên khi có quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu, nhiều DN đã không ký hợp đồng giao gạo cho các Cục DTNN ở các khu vực, mà nhân cơ hội giá gạo trong nước và thế giới có biến động tăng giá, đã tìm mọi cách để đăng ký tờ hải quan xuất khẩu hàng chục nghìn tấn gạo.
Nhiều doanh nghiệp "xù" hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia để đem gạo xuất khẩu
Cụ thể, Công ty TNHH Phát Tài đã trúng nhiều gói thầu với các Cục DTNN ở các khu vực: Nam Tây Nguyên, Bắc Tây Nguyên, Tây Bắc, Bình Trị Thiên… (tổng số trúng thầu 17.940 tấn gạo), nhưng không thực hiện hợp đồng đề nhập gạo vào kho DTQG. Công ty này chấp nhận “bỏ” một số tiền cọc khá nhỏ (chỉ khoảng 2% - 3% so với việc xuất khẩu sẽ lời từ 25% - 28% do biến động tăng giá) để khắc phục vi phạm và sau đó không hiểu bằng cách nào lại đăng ký xuất thành công xuất đến 13.630 tấn gạo!
Tương tự, Công ty CP Mỹ Tường cũng bỏ gói thầu số 7 cung cấp 900 tấn gạo nhập vào kho DTQG năm 2020 tại Cục DTNN Lâm Đồng, và cũng chịu mất ít tiền cọc để không giao gạo dự trữ vào kho, mà xuất tới 10.650 tấn! Hay Công ty CP Xuất nhập khẩu Thuận Minh cũng không ký hợp đồng giao gạo vào kho DTQG, nhưng lại đăng ký thành công tờ khai hải quan với số lượng xuất khẩu lên tới 8.630 tấn gạo.
Ngoài 3 công ty kể trên, còn phải kể đến Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cùng một số công ty thành viên của mình cũng trúng nhiều gói thầu cung cấp gạo DTQG năm 2020. Nhưng vì đồng lời trước mắt, họ đã không thực hiện hợp đồng, không quan tâm đến an ninh lương thực quốc gia nhưng rất nhanh chóng “khai báo hải quan lúc 0 giờ” và đã khai xuất thành công hơn 7.189 tấn gạo!
DN xem nhẹ lợi ích quốc gia, nên loại khỏi danh sách xuất gạo
Trước việc nhiều DN đã trúng thầu cung cấp gạo DTQG năm 2020, nhưng từ chối hoàn thiện ký kết hợp đồng cung cấp gạo vào kho DTQG. Do đó ngày 3/4, Bộ Tài chính đã có công văn 3905/BTC-QLG gửi Bộ Công thương để “tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo”. Văn bản 3905, nêu: “Chỉ tiêu kế hoạch mua gạo DTQG năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc tẻ thường. Trước tình hình nhu cầu xuất khẩu tăng, nên các DN đã trúng thầu cung cấp gạo DTQG (đã trúng thầu 178.000 tấn/190.000 tấn kế hoạch) có tình trạng kéo dài thời gian ký hợp đồng và không thực hiện thương thảo hợp đồng. Vì vậy đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết 15/6, để đảm bảo mua đủ gạo DTQG theo quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 21/1 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch giao chỉ tiêu DTQG năm 2020”.
Công văn 3905 của Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Vinafood 1 và các công ty thành viên của Vinafood 1 ưu tiên ký ngay hợp đồng đối với số lượng gạo đã trúng thầu tại các Cục DTNN khu vực theo kết quả đấu thầu.
Trong số 190.000 tấn gạo phải nhập kho DTQG theo kế hoạch năm 2020, nhưng đến nay chỉ mới nhập được hơn 7.700 tấn vào kho của Tổng cục DTNN! Còn tới 160.300 tấn, do nhiều DN đã trúng thầu nhưng không ký hợp đồng giao gạo vào kho DTQG, mà “ghim” lại để chờ tăng giá, chờ hạn ngạch xuất khẩu để xuất kiếm lời.
Từ việc quá nhiều DN trúng thầu cung cấp gạo DTQG, nhưng không thực hiện hợp đồng đã ký với các Cục DTNN ở các khu vực. Do đó, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nên loại ngay những DN này ra khỏi danh sách được phép xuất khẩu gạo cũng như cung cấp gạo DTQG, để qua đó không những loại bớt DN làm ăn “chụp giật”, mà còn đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia.