Ủng hộ mục đích tốt đẹp của người sáng tạo ra "máy ATM” phát gạo miễn phí cho người nghèo, nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh đã tự nguyện ủng hộ thêm gạo, tiền mặt cho hoạt đồng từ thiện ý nghĩa này.
Theo ghi nhận, sau hai ngày phát gạo miễn phí (6/4, 7/4) thì trong ngày thứ 3 (8/4), máy phát gạo từ động miễn phí nằm trên đường Vườn Lài (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) tiếp tục được người khó khăn biết tới nên ghé đến nhận gạo rất đông, xếp hàng dài cả mấy chục mét.
Mặc dù vậy, máy phát gạo tự động vẫn không ngừng nhả gạo tình thương cho những người nghèo, khó khăn trong những ngày cách ly toàn xã hội, phòng dịch Covid-19.
Trao đổi với báo chí, anh Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi, người khởi xướng ra máy phát gạo) cho biết, mặc dù số lượng người đến nhận gạo mỗi ngày mỗi đông hơn, nhưng anh Tuấn Anh vẫn cảm thấy may mắn vì được rất nhiều mạnh thường quân cùng chung sức, chung lòng trong hoạt động ý nghĩa này.
“Từ sáng đến giờ phát hơn 1 tấn, vậy là hơn 500 người đã nhận được gạo. Ban đầu, tôi dự trù phát 500 kg/ngày thôi vì công ty cũng trong giai đoạn khó khăn, phải lo tiền lương cho anh, em nhân viên trước. Nhưng, hiện tại số lượng gạo phát đã lên tới 4-5 tấn, tôi đang sử dụng số lượng gạo của 5-10 ngày sắp tới. May mắn, sáng giờ đã có mạnh thường quân hỗ trợ được hơn 1 tấn”, anh Tuấn Anh nói.
Cũng theo anh anh Tuấn Anh, cứ cách khoảng 15-30 phút lại có một xe máy, ô tô con hoặc xe tải của những mạnh thường quân chở đầy gạo tới đóng góp, nhằm giúp “máy ATM” phát gạo tiếp tục hoạt động lâu dài để chắc chắn rằng “không một ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống Covid-19.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn anh Tuấn Anh cũng phân việc cho một nhân viên phụ trách hướng dẫn bà con “rút” gạo theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, đứng giãn cách 2m và rửa tay trước khi nhấn chuông để hạn chế dịch lây lan.
Nếu như hai ngày đầu người dân đến địa điểm này nhận gạo chủ yếu là những người lao động nghèo, ve chai đồng nát, giữ trẻ, vé số, công nhân…trên địa bàn quận Tân Phú, thì nay “tiếng lành đồn xa”, rất nhiều bà con ở các quận lân cận, thậm chí Nhà Bè, Hooc Môn tìm đến nhận gạo.