Trước đó ngày 25/5, Trả lời báo chí, một đại diện của HTX nông nghiệp Xuân Lộc (quận 12, TP Hồ Chí Minh) cho biết, ngành nuôi và chế biến sản phẩm cá sấu đến nay vẫn còn "tê liệt" bởi Covid-19, người nuôi phải chịu cảnh giá bán dưới giá vốn trong thời gian dài.
Để cầm cự qua mùa dịch Covid-19, người dân chăn nuôi buộc phải bán cá sấu với giá rẻ để cắt lỗ sớm.
"Hiện nay, giá cá sấu ở mức 50.000 – 65.000 đồng/kg trong khi giá thành chăn nuôi của người dân khoảng 90.000 -100.000 đồng/kg. Dù giá rất thấp nhưng rất khó bán vì các công ty thu mua chế biến các sản phẩm từ cá sấu đang phải thu hẹp sản xuất, giảm mua nguyên liệu do đầu ra khó khăn", vị này nói.
Cùng chung cảnh ngộ, người dân nuôi cá sấu tại tỉnh Bạc Liêu đang lao đao vì giá cá sấu rớt thê thảm thấp nhất trong 3 năm qua.
Ông An một người nuôi cá sấu lâu năm tại tỉnh Bạc Liêu cho biết: “ Hiện nhà tôi đang có 100 trăm con cá sấu đang chờ ngày xuất chuồng , nhưng vì tình hình dịch bệnh, thương lái họ không dám mua nhiều, giá lại rớt mạnh vì đầu ra khó khăn. Giờ đây bình quân mỗi con cá sấu bán ra tôi phải phải lỗ 600.000 đồng, tổng thiệt hại hết 60.000.000 đồng . Trong khi đó, từ trước tới giờ thu nhập của cả nhà tôi chỉ trong chờ vào bầy cá sấu này.”
Ngoài ra, cũng theo ông An, chi phí cho một con cá sấu giống là 450.000 đồng, nuôi từ 18-20 tháng được khoảng 15kg thì mới đạt trọng lượng xuất bán. Cộng tất cả chi phí thức ăn, chuồng trại, công chăm sóc … thì một con cá sấu thương phẩm tốn hết 1,6 triệu đồng. Trong khi giá bán hiện tại chỉ 65.000 đồng/kg, một con cá sấu thu về chỉ gần 1 triệu đồng.
Sản phẩm làm từ da cá sấu bán trong nước cũng đang ế ẩm vì lượng khách du lịch hạn chế.
Toàn tỉnh Bạc Liêu có gần 1.400 hộ nuôi cá sấu với số lượng 230.000 con đang tới tuổi xuất chuồng. Hầu hết các hộ nuôi cá sấu tại Bạc Liệu cho rằng nếu tiếp tục cầm cự chờ ngày tăng giá, hằng ngày sẽ phải chịu thêm khoản chi phí mua thức ăn, nhưng trong tình trạng dịch bệnh này không biết khi nào giá bán cá sấu mới tăng trở lại. Để tránh thiệt hại nặng thêm, họ buộc bán giá rẻ số cá sấu này để cắt lỗ càng sớm càng tốt.
"Nếu không thể xuất khẩu lại như trước, chắc giá sẽ còn giảm nữa. Cố cầm cự sẽ khiến người nuôi phá sản, vì vậy chúng tôi chọn bán sớm, dù giá rẻ được đồng nào hay đồng đó", ông Thành, một hộ nuôi cái sấu ở Bạc Liêu chia sẻ.
Cũng theo ông Thành, thị trường chính của cá sấu sống là Trung Quốc đã bị đóng băng từ Tết Nguyên đán đến nay do dịch Covid-19 và hiện chưa biết bao giờ có thể hoạt động bình thường trở lại. Người dân hy vọng, nếu Covid-19 được kiểm soát tốt, giá cá sấu có thể tăng trở lại và người nuôi giảm bớt thua lỗ trong thời gian tới. Đối với thị trường nội địa, các mặt hàng thời trang từ da cá sấu cũng không bán được vì người mua chính là du khách quốc tế.
Năm 2020, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, quý I/2020 ghi nhận giá trị xuất khẩu chỉ vỏn vẹn 40 triệu đồng, gồm 25 tấm da cá sấu và 30 sản phẩm da cá sấu được xuất khẩu sang Nhật Bản.