Sáng 28/9, Tổng cục Thống kê (GSO, Bộ Kế hoạch & Đầu tư) công bố số liệu kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2018. Theo đó, GDP quý III năm 2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước. Mức này, theo Tổng cục Thống kê tuy thấp hơn mức 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng.
Trong đó, khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng 3,46%. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8,61%. Dịch vụ tăng 6,87%.
Tăng trưởng quý III/2018 thấp hơn cùng kỳ năm trước đó nhưng cao hơn tăng trưởng của quý III các năm từ 2011 – 2016.
Xét về góc độ sử dụng GDP quý III năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước. Tích luỹ tài sản tăng 8,61%. Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tăng 15,13%, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ tăng 14,76%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.
Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89% đóng góp 48,7%. Khu vực dịch vụ tăng 6,89% đóng góp 42,5%.
Như vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong khi công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm. Góp vào tăng trưởng chung nền kinh tế nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, kế đến là dịch vụ, tiếp đến là nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.
Về lạm phát, số liệu của GSO cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,59% so với tháng trước, tăng 3,98% so với cùng kỳ 2017.
Theo đó, trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá, nhiều nhất là giáo dục, giao thông, dịch vụ ăn uống... Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm.
Cụ thể: Nhóm giáo dục tăng cao nhất với 5,07% (dịch vụ giáo dục tăng 5,75% làm CPI chung tăng 0,3%) do trong tháng có 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lộ trình tăng học phí và nhu cầu mua sắm cho năm học mới tăng cao.
Nhóm giao thông tăng 0,82% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 6/9 và 21/9 làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 1,77% (tác động làm CPI tăng khoảng 0,08%).
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%, trong đó lương thực tăng 0,28% do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng; thực phẩm tăng 0,51%.