|
Bộ Tài chính cho biết, mức vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 2.738.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối tháng trước, tăng 40,6% so với cuối năm 2016, tương đương 60,8% GDP (vốn hóa thị trường chứng khoán được tính đối với thị trường cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, không bao gồm thị trường trái phiếu), mức cao nhất từ khi thị trường mở cửa.
Về quy mô giao dịch, trong tháng 9, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 14.000 tỷ đồng, giảm 6,3% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng qua, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 13.184 tỷ đồng, tăng 39% so với bình quân cả năm trước.
Theo ghi nhận, các chỉ số chứng khoán cũng tăng mạnh với VN-Index mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây, đạt 807,13 điểm, tăng 21,4% so với cuối năm 2016.
Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 106,52 điểm, tăng 33% so với cuối năm 2016. Nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh so với đầu năm với mức tăng phổ biến 30 - 50%, thậm chí có những cổ phiếu tăng đến vài chục lần.
Trên thị trường, đã có hợp đồng chứng khoán phái sinh ra đời và thêm hàng loạt cổ phiếu được niêm yết mới như Công ty cổ phần hàng không Vietjet (VJC), Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (PLX), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB)…
Theo thống kê, vốn hóa thị trường các cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh đến cuối quý III đạt 2,06 triệu tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, giá trị vốn hóa các cổ phiếu niêm yết đạt 196.000 tỷ, trong khi giá trị cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM đã tăng 64,8% so với đầu năm lên gần 500.000 tỷ đồng. Tổng cộng giá trị vốn hóa trên cả ba sàn đã đạt hơn 120 tỷ USD.
Về định hướng quản lý thị trường chứng khoán trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo tiến độ công tác xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi), đề án kế hoạch tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán giai đoạn 2016 - 2020 và đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam.
Bộ Tài chính cũng đang tiếp thu, giải trình ý kiến các thành viên để hoàn thiện đối với dự thảo Nghị định về cơ chế tài chính đặc thù của các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán.