GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm, dự kiến tháng 4/2018 Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Chương trình GDPT mới. Về hình thức thi tốt nghiệp THPT, từ nay đến năm 2020 hình thức thi tốt nghiệp được giữ ổn định như hiện nay.
Áp dụng chương trình phổ thông mới từ năm học 2019-2020
Đại diện Ban soạn thảo chương trình GDPT mới cho hay, các công việc tiếp theo cần làm là: Tiếp thu ý kiến nhân dân, hoàn thiện các chương trình; Thẩm định và ban hành chương trình; Tập huấn cho các đối tượng khác nhau (giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở, người biên soạn thẩm định SGK) về chương trình ; Biên soạn, thực nghiệm SGK theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội; Thẩm định, phê duyệt SGK; Tập huấn cho các đối tượng khác nhau về SGK; Chỉ đạo triển khai chương trình GDPT mới theo lộ trình.
"Còn các nhà chuyên môn đã tham gia soạn thảo chương trình là những người hiểu chương trình rất sâu thì có quyền viết sách giáo khoa. Việc họ viết cho bộ sách nào thì phải do tổ chức mời. Cá nhân tôi nghĩ rằng, những người soạn thảo chương trình là những người nắm rất chắc nên nếu họ viết sách giáo khoa thì sẽ có lợi”, GS Thuyết nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng chính quyền địa phương ưu tiên đảm bảo bố trí ngân sách để thực hiện đúng lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Cụ thể, đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 – 2022.
Lộ trình cụ thể như sau:
Năm học 2019 - 2020 triển khai ở lớp 1;
Năm học 2020 - 2021: lớp 2 và lớp 6;
Năm học 2021 - 2022: lớp 3, lớp 7 và lớp 10;
Năm học 2022 - 2023: lớp 4, lớp 8 và lớp 11;
Năm học 2023 - 2024: lớp 5, lớp 9 và lớp 12.