Chiều nay, ngày 19/1, Bộ sẽ chính thức công bố dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Dự thảo sẽ được lấy ý kiến công luận trong 2 tháng, sau đó ban soạn thảo bổ sung, hoàn thiện trước khi công bố chính thức.
Các môn học theo chương trình mới sẽ được phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.
Chiều 19/1, Bộ Giáo dục công bố dự thảo chương trình môn học mới
Cụ thể, ở cấp Tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).
Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Ở cấp THPT, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Các môn học được lựa chọn: theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Đặc biệt, hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt tất cả các cấp học là Hoạt động trải nghiệm.
Dự thảo các môn học sẽ được công bố tại Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, dự thảo đã được các vụ, cục có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, giảng viên trường sư phạm, giáo viên cốt cán các bậc học đại diện cho đội ngũ giáo viên trên phạm vi cả nước góp ý.
Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2019-2020 với lớp 1 của bậc tiểu học, từ năm học 2020-2021 với lớp 6 của bậc trung học cơ sở và từ năm học 2021-2022 với lớp 10 của bậc trung học phổ thông.
Chương trình mới được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho nền giáo dục đang rất nhiều bất cập của Việt Nam nên nhận được nhiều kỳ vọng của dư luận.