Khẩn trương xác minh bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng
Ngày 19/3, NHNN đã có văn bản gửi Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) về khoản nợ thẻ tín dụng của khách hàng Phạm Huy Anh tại Eximbank Quảng Ninh.
Theo văn bản của NHNN, mấy ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin liên quan đến vụ việc khoản nợ thẻ tín dụng của khách hàng Phạm Huy Anh tại Eximbank Quảng Ninh. Theo đó, Eximbank AMC gửi công văn cho ông Phạm Huy Anh thông báo về nghĩa vụ phải thanh toán của khách hàng tạm tính đến ngày 31/10/2023 là trên 8 tỷ đồng (gồm nợ gốc: 8.554.625 đồng và nợ lãi: 8.830.314.924 đồng).
Thông tin trên ngay sau khi được khách hàng chia sẻ đã có hàng trăm tin bài đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội với mức độ lan truyền cao. Nhiều ý kiến bình luận đa chiều, gay gắt về vụ việc liên quan đến cách tính lãi của Eximbank; kêu gọi tẩy chay, không tiếp tục sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Eximbank và thẻ tín dụng của các ngân hàng khác.
Để giải quyết kịp thời vấn đề dư luận quan tâm, Thống đốc NHNN yêu cầu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Eximbank bố trí Lãnh đạo trực tiếp trả lời hoặc thông tin với các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về trách nhiệm, quyền hạn và phương hướng xử lý vụ việc với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của người dân. Khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng.
Eximbank thay đổi chính sách thu phí với tài khoản 0 đồng
Hôm nay 20/3, Eximbank công bố thay đổi mới nhất trong quy định thu phí thẻ của. Đó là những tài khoản thanh toán của khách hàng lâu không sử dụng, không phát sinh giao dịch và có số dư về 0 đồng.
Eximbank sẽ không ghi nợ phí SMS Banking, phí quản lý tài khoản. Đồng thời, với những khách hàng muốn đóng tài khoản, cũng không phải thanh toán các khoản phí đã được ghi nợ trong thời gian qua mà sẽ được chi nhánh, phòng giao dịch chủ động xem xét xử lý, miễn phí.
Eximbank giao quyền xử lý các khoản phí này cho các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động, nghĩa là có thể miễn thu các khoản phí phát sinh trong thời gian dài khi tài khoản không sử dụng, số dư về 0 đồng.
Trước đó, hàng loạt chủ thẻ, trong đó có chủ thẻ của Eximbank, đã phản ứng mạnh khi những tài khoản đã lâu khách hàng không sử dụng vẫn bị ngân hàng âm thầm trừ phí. Đáng nói là không chỉ trừ hết số tiền khách hàng có trong tài khoản mà ngân hàng còn trừ âm phí.
“Lẽ ra với tài khoản đã lâu không dùng ngân hàng phải có chính sách riêng, sau một, hai năm sẽ khóa. Sao lại cứ giữ rồi thu phí đến âm tài khoản" - một khách hàng bức xúc.
Sau gần một tuần gây bão dư luận liên quan đến vụ nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu thành 8,8 tỷ. Eximbank đã vấp phải nhiều ý kiến cả phía người dân lẫn chuyên gia cho rằng, đã đến lúc xem xét quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay, để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 13 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của về lãi suất cho vay: "Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn".
Căn cứ mức tính lãi suất nợ quá hạn trên, ngân hàng chỉ được phép tính lãi suất không vượt quá 150% mức lãi suất lúc hợp đồng thẻ tín dụng chuyển nợ quá hạn. Ví dụ, tính tròn trong 10 năm, mức lãi suất đối với hợp đồng thẻ tín dụng thời điểm năm 2013 của ngân hàng là 30%/năm thì lãi suất nợ quá hạn tối đa là 45%/năm (thực tế mức lãi suất thẻ tín dụng vào thời điểm năm 2013 của các ngân hàng thương mại thấp hơn hiện nay). Như vậy, ngoài khoản nợ gốc hơn 8,5 triệu đồng, mỗi năm lãi suất nợ quá hạn mà khách hàng phải trả là gần 3,85 triệu đồng; nếu nhân cho 10 năm thì lãi suất nợ quá hạn chỉ gần 38,5 triệu đồng. Như vậy, cả nợ gốc và lãi quá hạn được tính với mức cao nhất (45%) thì khoản nợ sau 10 năm cũng chỉ hơn 47 triệu đồng.
Các chuyên gia tài chính - ngân hàng chỉ ra nhiều điểm sai "tai hại" khiến Eximbank mất nhiều hơn được.
Trong khi đó, giới luật sư cũng cho rằng ngân hàng khó yêu cầu ngân hàng trả số tiền lên tới 8,8 tỷ. “Nếu trong thời hạn 3 năm khi mà người vay không trả nợ, bên cho vay không nhắc nợ, không khởi kiện đến tòa án để được xem xét giải quyết trong thời hạn này, đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện, ngân hàng có khởi kiện có thể tòa án cũng không giải quyết” - Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết.
Sau bị phản ứng, Eximbank đã ra văn bản mới, quy định thu phí thẻ. Eximbank cũng là ngân hàng đầu tiên đưa ra thông báo phí với tài khoản đã lâu không giao dịch và đã bị trừ âm tài khoản.
Được biết, hôm qua 19/3, ông Phạm Huy Anh, chủ thẻ tín dụng (khách hàng được Eximbank thông báo khoản nợ thẻ tín dụng trị giá trên 8,8 tỷ đồng, trong đó nợ gốc chỉ 8,5 triệu đồng) đã cùng luật sư có buổi làm việc với lãnh đạo cấp cao của Eximbank. Nội dung buổi làm việc không được tiết lộ. Tuy nhiên, cả hai bên thống nhất mong muốn phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất.