Toàn cảnh việc “gửi tiết kiệm” của bà Bình
Năm 2011 bà Chu Thị Bình mở thẻ tiết kiệm với số tiền gửi 5 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng tại Eximbank - CN TP Hồ Chí Minh. Sau khi đáo hạn bà Bình gửi tiếp vốn và nhập lãi với các thẻ tiết kiệm khác nhau và tiếp tục giao dịch.
Ông Lê Nguyễn Hưng (Nguyên PGĐ CN Eximbank TP Hồ Chí Minh) đang bị truy nã. |
Từ năm 2014 đến 2016, bà Chu Thị Bình luôn nằm trong danh sách khách hàng cá nhân gửi tiền nhiều nhất ở Eximbank, là khách VIP nên các giao dịch của bà Bình được Ông Lê Nguyễn Hưng (PGĐ CN Eximbank TP Hồ Chí Minh) hoặc nhân viên ngân hàng được cử đến hỗ trợ thực hiện tại nhà riêng hoặc nơi làm việc của bà Bình mà không phải đến ngân hàng.
Ngày 28/2/2016 bà Bình thông báo tất toán thẻ tiết kiệm với số tiền gốc và lãi là trên 300 tỷ đồng. Tuy nhiên lúc này bà Bình phát hiện hơn 245 tỷ của mình đã bốc hơi.
Sau nhiều lần làm việc với bà Bình nhưng không tìm được tiếng nói chung, Eximbank đã có động thái gửi đơn tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Lê Nguyễn Hưng.
Ngày 4/12/2017 Cơ quan CSĐT Bộ công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 07/C44B-P5 về việc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Eximbank – CN TP Hồ Chí Minh.
Đến khoảng cuối tháng 2/2018, HĐQT Eximbank xác nhận vụ việc, đề nghị tạm ứng hơn 14 tỷ đồng cho bà Bình, phần còn lại chờ phán quyết của Tòa án. Tuy nhiên bà Bình đã từ chối nhận khoản tiền trên.
Thẻ tiết kiệm còn nhưng tiền thì mất
Một nguồn tin từ Cơ quan CSĐT - C44 xác nhận toàn bộ chữ ký trên lệnh rút tiền và ủy quyền là chữ ký thật của bà Chu Thị Bình, tuy nhiên văn bản ủy quyền không được công chứng. Bà Bình hiện đang giữ bản gốc 03 thẻ tiết kiệm nhưng toàn bộ số tiền trong thẻ đã “bốc hơi”, số dư hiện tại bằng “0”. Theo Luật sư Nguyễn Tấn Thi (Văn phòng Luật sư Hoa Sen): “Việc ủy quyền không hợp pháp, không thu hồi thẻ tiết kiệm mà vẫn rút được toàn bộ tiền là do lỗi của phía cán bộ ngân hàng.”
Cũng theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Tấn Thi: “Quan hệ tín dụng ở đây là quan hệ giữa bà Bình với ngân hàng chứ không phải với cá nhân Lê Nguyễn Hưng, ông Hưng hiện đang bị truy nã quốc tế, việc bồi thường cho khách hàng không thể đợi kết quả truy bắt, xét xử Hưng, hay phụ thuộc vào phán quyết của Tòa án, trong trường hợp hết thời hạn điều tra mà không bắt được ông Hưng, vụ án có thể tạm đình chỉ, ngân hàng cần làm rõ trách nhiệm các bên, truy dòng tiền, xác định các chữ ký liên quan để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.”
Luật sư Nguyễn Tấn Thi. |
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng có sự liên kết gian dối giữa một nhóm lợi ích, bởi lẽ một mình Lê Nguyễn Hưng không thể tự rút được hơn 245 tỷ đồng. Bà Bình ký các chứng từ nhưng không kiểm tra kỹ nội dung, biết được quy trình giao dịch không đúng nhưng vẫn đồng ý thực hiện.
Ai là người bị hại?
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định Eximbank – CN TP Hồ Chí Minh là bị hại trong vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bà Chu Thị Bình là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đối tượng Lê Nguyễn Hưng đã giả mạo chứng từ liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của bà Bình để chiếm đoạt hơn 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình gửi tại ngân hàng Eximbank.
Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho rằng: “Tại thời điểm số tiền hơn 245 tỷ của bà Bình bị rút, Lê Nguyễn Hưng đang làm việc tại Eximbank – CN TP Hồ Chí Minh với vị trí là lãnh đạo ngân hàng. Theo quy định của luật dân sự (Điều 618 Bộ luật dân sự 2005 và Điều 597 Bộ luật dân sự 2015) thì: Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong trường hợp ông Hưng có hành vi lừa bà Bình ký khống vào các hồ sơ tài liệu, làm giả giấy tờ, chứng từ giao dịch rồi mang nộp cho ngân hàng mà phía ngân hàng không biết, không kiểm soát thì cả bà Bình và ngân hàng đều có thể là người bị hại. Tuy nhiên theo quy định trên thì ngân hàng có trách nhiệm bồi thường cho bà Bình, sau đó ông Hưng phải bồi hoàn lại cho ngân hàng”.
Sự việc xảy ra đã hơn 1 năm nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để cho thấy vụ án có nhiều diễn biến phức tạp, quá trình điều tra xuất hiện những tình tiết mới. Ngày 26/3 vừa qua, cơ quan công an đã bắt giữ và khởi tố hai nhân viên ngân hàng là Hồ Thị Thủy và Nguyễn Thị Thi do bị nghi có liên quan đến việc Lê Nguyễn Hưng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này để xác định được ai là bị hại, khách hàng có lấy lại được tiền bị mất cần căn cứ vào các chứng từ giao dịch đang được ngân hàng lưu giữ và trách nhiệm của các bên khi để vụ việc xảy ra. Hiện tại vụ án vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ.