Cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định ngân hàng Eximbank (NH) chi nhánh TP Hồ Chí Minh là bị hại trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh) đã lập chứng từ giả mạo, chiếm đoạt số tiền hơn 245 tỷ đồng trong các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình. Bà Bình được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nên NH phải có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định.
Sau buổi làm việc cùng Eximbank ngày 6/3, bà Chu Thị Bình nói rất bất ngờ khi Eximbank vẫn giữ quan điểm cũ, chờ phán quyết của tòa án mà không trả lại tiền như kết luận của cơ quan điều tra. Khách hàng này nói rằng khi vụ việc mới bị phát giác, lãnh đạo cao nhất của NH đã khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách khi có thông báo từ cơ quan điều tra, nhưng khi cơ quan điều tra có kết luận thì lại lòng vòng chờ ra tòa.
Bà Chu Thị Bình và Luật sư Phan Trung Hoài |
Theo bà Bình, ngay từ đầu ngân hàng Eximbank đã thể hiện chối bỏ trách nhiệm. Mỗi lần làm việc với nhau lại là một lần hứa vòng quanh của đại diện ngân hàng. Ban lãnh đạo ngân hàng, trực tiếp là ông Lê Văn Quyết (Tổng giám đốc), và bà Bùi Thị Thiện Tâm (Giám đốc chi nhánh TP.HCM) luôn hẹn khi có kết luận điều tra sẽ giải quyết. Đến khi có kết luận của cơ quan điều tra thì lại cho rằng kết luận này chưa đủ, chờ ra tòa.
"Tiền của tôi, vì sao ra tòa? Lãnh đạo NH quản lý nhân viên lỏng lẻo, để nhân viên của mình lừa khách hàng rồi bắt khách phải chịu là vô lý…", bà Bình cho biết rất kiên nhẫn hợp tác suốt một năm qua. Tuy nhiên, đến khi có thông báo của cơ quan điều tra thì ngân hàng lại không thực hiện trả lại tiền như cam kết.
"Sau mấy cuộc gặp gần đây, ngân hàng có gửi cho tôi một thư thỏa thuận ứng trước 14,8 tỷ đồng. Nhưng mục đích tạm ứng này là để giải quyết khó khăn của gia đình chứ không liên quan gì đến số tiền ngân hàng đang giữ của tôi. Nếu ngân hàng nói ứng để giải quyết khó khăn thì tôi không đồng ý”, bà Bình nói.
Bà Bình nêu vấn đề niềm tin khách hàng vào hệ thống quản trị rủi ro tiền gửi của NH ra sao nếu cứ khách gửi tiết kiệm bị mất tiền vô cớ mà nhà băng vòng vo trách nhiệm. Còn việc thỏa thuận trả 14,8 tỷ đồng ứng trước để giải quyết khó khăn, theo bà cũng là điều khó chấp nhận. NH xử lý như vậy thì làm sao người dân yên tâm gửi tài sản của mình.
“Giả sử tôi đi vay tiền NH về làm ăn mà bị mất, vậy NH có chờ tôi tìm được người lấy trộm về rồi tôi lấy lại tiền trả cho NH không? Số tiền này rất lớn, cả gia đình tôi làm lụng, tích cóp mấy chục năm nay… Tôi muốn đòi công bằng không chỉ cho tôi mà cho những người từng rơi vào trường hợp như tôi…” bà Bình bức xúc.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, kể cả trong trường hợp có hay không bắt được ông Lê Nguyễn Hưng - người được cơ quan CSĐT xác định đã lừa đảo, rút tiền hàng trăm tỉ đồng mà bà Chu Thị Bình gửi tại Eximbank thì phía ngân hàng này vẫn phải có trách nhiệm bồi hoàn đầy đủ.
Quy định của ngân hàng rất chặt chẽ, trong đó phải bảo đảm ít nhất 4 yếu tố hợp lệ, khớp đúng mới rút được tiền, đó là chủ thẻ tiết kiệm, chữ ký của chủ thẻ, thẻ tiết kiệm và giấy tờ tùy thân của người rút tiền. Nếu một trong những thứ này mà thiếu hoặc không hợp lệ thì không thể rút được tiền. Nếu người khác rút tiền thì phải có giấy ủy quyền hợp pháp có công chứng, chứng thực hoặc xác nhận trước mặt cán bộ ngân hàng.
Thông tin từ cơ quan công an, trong vụ việc trên, có 2 yếu tố đặc biệt quan trọng là thẻ tiết kiệm và không có ủy quyền hợp pháp mà vẫn rút được tiền, thì đã có lỗi sai phạm nghiêm trọng của phía cán bộ ngân hàng. Luật sư Đức cho biết.