Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trước những thách thức nhằm đa dạng hóa thị trường, mới đây, làng nghề gỗ Đồng Kỵ chính thức lên sàn giao dịch điện tử, đánh dấu bước đi mới trong thời kỳ công nghệ của một làng nghề truyền thống.
![]() |
Gỗ Đồng Kỵ lên sàn mua bán Online. (Hình minh họa) |
Sàn giao dịch (http://dongkyfuniter.com) cung cấp một kênh mua sắm an toàn, uy tín với chất lượng đảm bảo, tất cả các sản phẩm được dán tem nhãn thương hiệu “Gỗ Đồng Kỵ” được bảo hộ độc quyền. Sàn niêm yết các sản phẩm với mẫu mã phong phú được các thợ tay nghề cao chế biến và gia công.
Các sản phẩm đảm bảo thông tin giá cả minh bạch, rõ ràng. Ngoài ra, tại sàn giao dịch, khách hàng có thể tìm mua những sản phẩm thủ công nhỏ cho tới hàng cao cấp, có cơ hội chọn lựa, so sánh các sản phẩm cùng loại trên cùng một website của các hộ kinh doanh khác nhau.
Tất cả sản phẩm bán tại đây đều có dán tem nhãn thương hiệu “Gỗ Đồng Kỵ” đã được bảo hộ độc quyền. Ông Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cho biết, sự ra đời của sàn thương mại điện tử làng nghề gỗ Đồng Kỵ đã đánh dấu một bước đi mới trong thời kỳ công nghệ của một làng nghề truyền thống.
Ông Vương cũng nhận định, những năm gần đây việc doanh nghiệp và cá nhân đã sử dụng máy vi tính, internet, email để phục vụ công việc kinh doanh trở nên khá phổ biến. Theo ông, đây là một kênh tiếp cận mới tới khách hàng và là kênh marketing nhiều tiềm năng.
Hiện tại, làng có khoảng 300 doanh nghiệp và 2.500 hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, với nhiều sản phẩm sơ chế, gia công cho các đối tác Trung Quốc.
Tuy nhiên, có một số bất cập là sau khi xuất khẩu, sản phẩm được tinh chế lại, gắn tên thương hiệu của các cơ sở Trung Quốc và đương nhiên, không ai còn biết đến danh tiếng của gỗ Đồng Kỵ. Ngay ở trong nước, sản phẩm của làng nghề này cũng bị làm nhái, làm giả tràn lan.
Điều này khiến người dân làng Đồng Kỵ hoang mang, lo sợ một mai mất làng nghề.
Do đó, kể từ ngày 28/6, tất cả sản phẩm gỗ Đồng Kỵ đã được dán tem nhãn mang thương hiệu tập thể “Gỗ Đồng Kỵ” và được bảo hộ độc quyền bởi Cục Sở Hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, để phát triển bền vững thị trường quốc tế, làng nghề dần dần đăng ký bảo hộ trên tất cả các nước khi xuất khẩu hàng hoá sang nước đó. Đó là việc lớn lao nhất của làng nghề, bảo vệ trên thương hiệu trên tất cả các nước xuất khẩu sang.
Hiện nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang thương hiệu này đã được xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, ASEAN... và đang hướng tới thị trường khác lớn hơn như như Mỹ, châu Âu.
Trước đó, không ít mặt hàng thủ công đã được bán theo hình thức thương mại điện tử và ghi nhận những kết quả tốt. Một trong những ví dụ thường xuyên được các chuyên gia trong lĩnh vực này nhắc đến là sản phẩm Cá kho làng Vũ Đại của chủ cơ sở tại Hà Nam. Năm 2009, chủ cơ sở sản xuất này bắt đầu kinh doanh và chỉ bán được 257 sản phẩm. Sau đó ông lập trang web bán hàng và đến 2010 thì sử dụng quảng cáo trực tuyến. Số lượng đơn hàng nhờ đó tăng mạnh qua các năm và đến 2013, số sản phẩm bán ra tăng lên hơn 5.300, tăng gấp 20 lần. Hiện đơn vị này đã có đại lý ở Hà Nội và TP HCM. Nhiều đơn vị khác cũng tăng doanh thu gấp 2-3 lần mỗi năm nhờ thương mại điện tử. Không chỉ thuận lợi trong việc kinh doanh ở thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát đã tìm kiếm được khách hàng ở thị trường Bắc Mỹ, Tây Âu nhờ các trang quảng cáo trực tuyến trên Google, mạng xã hội… |