Diễn đàn diễn ra trong 2 ngày 27-28/6 với chủ đề “Vì Đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng và thích ứng khí hậu,” Diễn đàn được Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Australia, Đại sứ quán Hà Lan, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN đồng tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu khai mạc diễn đàn này.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Victoria Kwakwa; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương khu vực ĐBSCL cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.
Diễn đàn nhằm thảo luận các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng. Đối thoại sâu hơn về các rủi ro đi cùng biến đổi khí hậu, các chiến lược thích ứng trong đó bao gồm kế hoạch hóa đồng bộ, công tác phối hợp giữa các địa phương, các ngành.
Đề xuất một số phương án đầu tư công trình và phi công trình, những cái được - mất trong mỗi phương án, thời điểm và tác động kinh tế, dùng các thông tin đó trong quá trình ra chính sách dài hạn và tổng thể cho Đồng bằng sông Cửu Long; đưa ra thông tin định hướng và nội dung các dự án hiện có để đề xuất trong thời gian tới trong vùng.
Đừng để hàng Việt gắn nhãn “người ta”…
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không chỉ được nhắc tới là vựa lúa lớn nhất nhì cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long còn là vùng đất hội tụ của nhiều loại nông sản, đặc sản trái cây có tiếng.
Trái cây hay nông sản cần có thương hiệu của riêng mình để không bị mất dấu trên thị trường thế giới. |
“Phải xây dựng các loại nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long như bưởi da xanh Bến Tre, quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), xoài cát Hòa Lộc (Đồng Tháp)… thành thương hiệu trái cây cao cấp, hiện diện trong hệ thống bán lẻ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… và phải mang thương hiệu Việt Nam đích thực, chứ tuyệt đối không thể vô danh, bị lạm dụng, đóng dưới nhãn mác của các nhà phân phối trung gian”, Thủ tướng quả quyết.
Thủ tướng cho rằng, các loại nông sản này cần đi khắp thế giới, trở thành các loại trái cây cao cấp, hiện diện trong hệ thống bán lẻ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU và phải mang thương hiệu Việt Nam đích thực, chứ tuyệt đối không thể vô danh, bị lạm dụng, đóng dưới nhãn mác của các nhà phân phối trung gian. “Cái này là thiệt thòi rất lớn đối với ĐBSCL mà chúng ta cần nhìn thấy được”, Thủ tướng lưu ý.
Ông cũng lưu ý, cần tránh tình trạng ở Mỹ mọi người mua nước mắm thương hiệu Phú Quốc của Việt Nam nhưng do Thái Lan sản xuất, hoặc các nước nhập giống cây của Thái về trồng, trong khi ta hoàn toàn có thể làm được hoặc làm tốt hơn. “Thực hiện được tầm nhìn này coi như chúng ta đã hoàn thành được một trong những sứ mệnh khó khăn nhất của sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp”, Thủ tướng nói.
Cần phải liên kết vùng
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đồng bằng sông Cửu Long đang hướng tới trở thành một khu vực có nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao của Đông Nam Á và rộng hơn là Châu Á trong tương lai. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, chiếm 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, 1/5 lượng gạo thương mại toàn cầu, sự sụt giảm sản lượng nông nghiệp ở vùng này không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn tác động rõ nét đến giá lương thực, làm suy yếu an ninh lương thực toàn cầu.
Ông cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ưu đãi, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, nhưng kết quả đạt được chưa xứng với tiềm năng, đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân được Thủ tướng chỉ ra là do thiếu sự liên kết một cách hiệu quả giữa các tỉnh. “Có tình trạng tỉnh nào biết tỉnh đó, thiếu kế hoạch liên kết vùng để hỗ trợ nhau cùng phát triển”, ông nói.
Thứ hai là việc kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp gặp khó khăn vì thiếu các điều kiện như xa nguồn năng lượng, suất đầu tư xây dựng lớn do xa nguồn cung cấp nguyên vật liệu. Các nhà đầu tư chủ yếu khai thác nhân công giá rẻ và hưởng các ưu đãi.
Thứ ba là chưa có chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp, tương xứng với thế mạnh của vùng. Ngành chế biến thủy hải sản tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn thiếu những cách làm mới, hiện đại, sáng tạo; chưa biết cách tối ưu hóa chuỗi sản xuất.
Thứ tư, chất lượng và số lượng thủy hải sản không ổn định, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, tư duy thị trường còn manh mún, nên sản phẩm chưa đủ đa dạng đáp ứng các nhu cầu cao cấp của thị trường để qua đó xác lập uy tín, thương hiệu quốc tế của sản phẩm.
Thứ năm, là vựa lúa cả nước nhưng chưa tạo dựng được thương hiệu, uy tín, giá trị gia tăng vẫn thấp, nên giá trị xuất khẩu không cao.
Vì lẽ đó, để thương hiệu trái cây của Đồng bằng sông Cửu Long phát triển hơn nữa, Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh phối hợp cùng các cơ quan chức năng của Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng liên kết vùng, tạo nên chuỗi liên kết về sản xuất và dịch vụ. Đồng thời, chú trọng thương hiệu sản phẩm, lấy chất lượng và giá trị gia tăng làm cốt lõi, thay vì chạy theo số lượng; ưu tiên phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với đối phó biến đổi khí hậu bằng giải pháp công trình và phi công trình.