Báo cáo “nóng” có tên “Tác động của Brexit tới thị trường mới nổi châu Á: Không phải Anh, EU mới là vấn đề” của tác giả Trinh D. Nguyen, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi châu Á của Công ty tư vấn Natixis, trụ sở tại Hồng Kông phát đi tối qua, 24-6, đã đưa ra những nhận định ban đầu về sự kiện đang làm rung lắc thị trường tài chính toàn cầu này tới châu Á.
Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ Anh và Trung Quốc bị tác động nhiều nhất từ EU về tỷ trọng trên tổng kim ngạch thương mại. Nguồn: Natixis, Bloomberg |
Với triển vọng tăng trưởng toàn cầu thấp đi, kinh tế các thị trường mới nổi khu vực châu Á cũng có thể bị giảm trong những tháng tới. Trung Quốc và Việt Nam là hai nước dự kiến bị tổn thương nhiều nhất từ dự báo giảm tăng trưởng của Anh và EU, theo tác giả.
Tăng trưởng kinh tế, đầu tư và sức cầu của nước Anh chắc chắn sẽ bị suy yếu, gián tiếp tác động đến các thị trường xuất khẩu vào Anh. Trong số các quốc gia xuất khẩu vào Anh ở châu Á, Việt Nam có thể bị tổn thương cao nhất, mặc dù hầu hết các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường này là hàng thiết yếu và có có tính chất ổn định, vốn ít bị suy giảm; sau đó là Ấn Độ.
So với các nước khu vực, Hàn Quốc có ít tiếp xúc nhất với Vương quốc Anh về thương mại. Philippines và Indonesia cũng sẽ bị tác động nhỏ hơn. Đối với Philippines, ảnh hưởng chủ yếu qua kênh kiều hối hơn là xuất khẩu hàng hóa.
Brexit được giới tài chính coi như sự kiện “Thiên nga đen” khi phần lớn hơn người dân Anh đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23-6-2016.
"Thiên nga đen" (Black swan) là cuốn sách nổi tiếng của Nassim Taleb, nói về thị trường tài chính với những biến cố không ai nghĩ sẽ xảy ra nhưng vẫn có khả năng thành sự thật. Thiên nga đen là một loại thiên nga hiếm thấy.
Theo báo cáo trên, sự đổ vỡ sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP thấp hơn cho cả Vương quốc Anh và EU. Đối với Vương quốc Anh, báo cáo cho rằng tăng trưởng GDP giảm xuống còn 0,5% vào năm 2017 từ 1,6% vào năm 2016 (so với 2,1% là tỷ lệ dự đoán nếu Anh ở lại EU).
Đối với EU, GDP chậm lại còn 1,4% (từ dự báo trước đó 1,6% trong năm 2016) và giảm tốc xuống còn 1,2% trong 2017 (so với kỳ vọng 1,4% trước đó).
Ngoài những tác động trực tiếp từ nền kinh tế Anh, theo tác giả, nhiều nước mới nổi ở châu Á nên xem xét các hậu quả gián tiếp của triển vọng liên quan đến nhu cầu suy giảm của toàn bộ khối EU. Các yếu tố từ EU quan trọng hơn nhiều so với riêng lẻ thị trường Anh vì nó ở quy mô lớn hơn nhiều. Và điều này chắc chắn “phủ bóng” lên các đơn đặt hàng của khu vực ra bên ngoài, cụ thể đối với hàng hóa từ châu Á.
Trong khu vực châu Á, Trung Quốc và Việt Nam được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự suy giảm kinh tế châu Âu theo dự báo. Đối với cả hai nền kinh tế, xuất khẩu sang EU và Mỹ đều rất quan trọng, nên sẽ bị tác động như một hệ quả của sự kiện trên, ít nhất từ kênh thương mại.
Ngoài những tác động trực tiếp của Anh, nhiều nước châu Á cũng phải xem xét các hậu quả gián tiếp trong tương lai do khó chinh phục các nhu cầu của thị trường châu Âu hơn. Và để bảo vệ tăng trưởng của nước mình, các ngân hàng trung ương châu Á nhiều khả năng chấp nhận một lập trường ôn hoà hơn tới đây. Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Ấn Độ có thể cắt giảm thêm lãi suất với đồng tiền của họ. Và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang trong nỗ lực để giảm lãi suất cho vay, mà việc này sẽ dẫn đến nới lỏng tiền tệ hơn để hỗ trợ nền kinh tế.
Tóm lại, với triển vọng tăng trưởng toàn cầu giảm đi, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi châu Á cũng có thể sẽ đi thấp hơn trong những tháng tới.
Trong một nhận định khác, đại diện một quỹ đầu tư tại TPHCM cho rằng xuất khẩu sang Anh chỉ chiếm 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, vì thế những tác động từ diễn biến xấu đi của thị trường toàn cầu tới Việt Nam sẽ quan trọng hơn tác động riêng lẻ từ thị trường Anh.
Song, một báo cáo của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng việc rút lui của Vương quốc Anh khỏi EU có thể có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam có vay nợ bằng đồng euro.
Nhìn về tương lai, trong tương quan kinh tế Việt Nam với thế giới, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, lo ngại tiếp theo là khả năng sẽ có thêm các quốc gia khác rời khỏi EU, dù hiện không có quốc gia nào còn lại trong khối có các cuộc vận động để rời khỏi khối. Tất cả các bộ trưởng kinh tế của khối EU sẽ nhóm họp trong tuần tới và cần theo dõi sát sao cuộc họp này.
Ngoài ra, bất kỳ biến động nào tại Trung Quốc dẫn đến phá giá đồng nhân dân tệ sẽ khiến đồng Việt Nam giảm tương ứng. Quy mô xuất khẩu của Trung Quốc sang EU và Anh lớn hơn nhiều so với với Việt Nam. Hơn nữa, có thể sẽ có nhiều yếu tố toàn cầu khác bị ảnh hưởng từ quyết định “Thiên nga đen” Brexit cần được theo dõi chặt chẽ.