VN-Index mất gần 12 điểm, mất mốc 1.300
Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (16/5) trong sắc đỏ khi áp lực chốt lời dâng cao khiến VN-Index mất gần 12 điểm, rơi sát mốc 1.300 điểm.
VN-Index mất gần 12 điểm, mất mốc 1.300
Mở cửa với sắc xanh tích cực, tuy nhiên đà tăng không giữ được lâu. Áp lực bán mạnh từ nhà đầu tư, đặc biệt trong phiên chiều, đã đẩy thị trường lao dốc. Chốt phiên, chỉ số VN-Index giảm 11,81 điểm xuống 1.301,39 điểm; HNX-Index giảm 0,59 điểm xuống 218,69 điểm; UPCoM-Index giảm 0,1 điểm còn 95,44 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường suy yếu, với tổng giá trị giao dịch ba sàn đạt hơn 22.000 tỷ đồng, riêng HoSE đạt gần 19.100 tỷ đồng – giảm hơn 6.800 tỷ so với phiên trước.
Áp lực chốt lời tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng – trụ cột thị trường trong nhiều phiên gần đây. Loạt mã giảm sâu như VPB -2,7%, VIB -2,4%, BID -2,14%, VCB -2,04%, MSB -2,08%, CTG -1,89%, SHB -1,82%, MBB -1,6%, TCB -1,51%...
Nhóm chứng khoán cũng giao dịch kém sắc: SHS -2,29%, EVS -1,72%, BSI -1,63%, VND -1,3%, MBS -1,08%... Các mã đầu ngành như SSI, VCI, VIX cũng đồng loạt giảm điểm.
Tình trạng bán tháo lan rộng đến nhóm vốn hóa lớn: FPT giảm 3,2%, PNJ -4,03%, VNM -1,06%, BVH -2,72%, HPG -1,34%, VJC -1,1%...
Trong bức tranh ảm đạm, nhóm bất động sản là điểm sáng hiếm hoi với VIC tăng 0,25%, VRE tăng 1,45%. Một số mã khác tăng khá mạnh như TCH +2,54%, KHG +2,25%, DXG +1,53%...
Cổ phiếu VPL của Vinpearl tiếp tục thu hút sự chú ý khi tăng 3,38% lên 101.000 đồng/cp, thiết lập đỉnh giá mới dù đã ngắt chuỗi tăng trần ba phiên liên tiếp. Vốn hóa Vinpearl tăng gần 6.000 tỷ đồng, lên 181.123 tỷ đồng.
Khối ngoại quay đầu bán ròng gần 1.000 tỷ đồng sau ba phiên mua ròng, tập trung vào các mã lớn như VCB (-245 tỷ đồng), FPT (-228,3 tỷ), VHM, MSN, VPB... Ở chiều mua, MWG được gom mạnh nhất với 125 tỷ đồng, theo sau là HSG, TCH và MBB.
Hơn 13 triệu cổ phiếu PCT sang tay trong một phiên, cổ đông lớn nhất rút lui sau 7 năm
Phiên giao dịch ngày 13/5 ghi nhận sự kiện đột biến tại CTCP Vận tải biển Global Pacific (HNX: PCT) khi gần 13,3 triệu cổ phiếu được sang tay qua phương thức thỏa thuận, khép lại hành trình hơn 7 năm gắn bó của cổ đông lớn nhất – ông Đỗ Anh Việt.
Trong nhiều năm qua, cổ phiếu PCT vốn kém thanh khoản, với khối lượng giao dịch trung bình dưới 15.000 cổ phiếu/phiên, nguyên nhân chủ yếu do cơ cấu cổ đông cô đặc, nhóm cá nhân nắm gần 90% vốn. Tuy nhiên, trong phiên 13/5, thanh khoản bất ngờ tăng vọt với giá trị giao dịch đạt hơn 146 tỷ đồng, tương đương bình quân 11.000 đồng/cp – thấp hơn giá đóng cửa cùng ngày (11.500 đồng/cp).
Toàn bộ 13,3 triệu cổ phiếu giao dịch trong phiên này do ông Đỗ Anh Việt – cổ đông lớn nhất tại PCT – bán ra, tương đương 26,57% vốn. Ông Việt trở thành cổ đông lớn từ tháng 11/2017 với 3,7 triệu cổ phiếu (16,09%) và từng gia tăng sở hữu qua các năm.
Cổ phiếu PCT trải qua nhiều biến động lớn. Từ vùng giá 7.000 đồng/cp vào cuối năm 2017, mã này từng vọt lên 12.000 đồng/cp (3/2022), sau đó giảm về đáy 4.000 đồng/cp rồi bật tăng lên đỉnh lịch sử 13.500 đồng/cp đầu tháng 2/2025. Gần đây, PCT chịu áp lực điều chỉnh do thông tin liên quan đến thuế, nhưng vẫn giữ mức tăng 12% trong vòng một năm qua, dù giảm hơn 16% so với quý trước.
Trước đó, giai đoạn tháng 4–5/2024, cổ đông lớn Nguyễn Hồng Điệp cũng bán ra hơn 11 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu xuống 4,51%. Ngược lại, các cá nhân như ông Cao Đức Sơn (18,56%), ông Trần Vọng Phúc (22,1%) và bà Trần Thị Thu Hà (22,3%) nâng tỷ lệ nắm giữ.
Sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông đi kèm với biến động nhân sự cấp cao. Từ cuối năm 2024 đến nay, HĐQT PCT gồm 4 thành viên: Chủ tịch Trần Trung Quốc cùng các ông/bà Lê Anh Nam, Võ Ngọc Phụng và Nguyễn Thị Thanh Huyền. Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 đã thông qua việc kiện toàn HĐQT nhiệm kỳ 2023–2028.
Về hoạt động kinh doanh, quý 1/2025, PCT đạt doanh thu thuần hơn 189 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng giảm 5% còn 15 tỷ đồng do chi phí tài chính và quản lý tăng mạnh. Công ty mới hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và 18% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đáng chú ý, HĐQT PCT vừa đề xuất vay 3.800 tỷ đồng tại MBBank để đầu tư đóng mới 4 tàu chở dầu/hóa chất trọng tải khoảng 25.900 DWT. Tài sản đảm bảo là chính các tàu đóng mới.