Thị trường chứng khoán tiếp đà tăng, VN-Index tiến sát mốc 1.300
Phiên giao dịch ngày 13/5, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tích cực với sắc xanh lan tỏa trên hầu hết các nhóm ngành. Chỉ số VN-Index tăng 10,17 điểm (+0,79%) lên mức 1.293,43 điểm; VN30-Index tăng 10,74 điểm (+0,78%) lên 1.382,78 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 27.100 tỷ đồng, trong đó riêng sàn HoSE đạt 22.400 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán tiếp đà tăng
Nhóm cổ phiếu ngân hàng – được ví như “cổ phiếu vua” – là động lực chính dẫn dắt thị trường. Các mã CTG, MBB, VPB, EIB, VCB, BID… đều tăng mạnh, trong đó CTG đóng góp gần 2 điểm cho chỉ số chung. Ngoài ra, nhóm công nghệ với đầu tàu FPT cũng bứt phá hơn 1%, cùng nhóm chứng khoán như VIX, SSI, SHS, VND, HCM… đồng loạt tăng điểm, góp phần củng cố đà tăng của thị trường.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng 1,77 điểm lên 217,81 điểm; UPCoM-Index tăng 1,09 điểm lên 94,68 điểm. Toàn thị trường ghi nhận 199 mã tăng, 110 mã giảm và 62 mã đứng giá.
Xét về nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản phục hồi đáng kể sau khi VIC đảo chiều vào cuối phiên, với nhiều mã tăng mạnh như NLG (5%), KDH (3,2%), AGG (2,9%), HDG (1,7%), DIG (1,6%). Trong khi đó, nhóm bất động sản công nghiệp tiếp đà hồi phục ấn tượng với hàng loạt mã tăng mạnh như IDC (3,9%), SIP (1%), KBC (3,2%), VGC (3,1%), BCM (0,5%).
Cổ phiếu ngân hàng dù màu xanh áp đảo với CTG (4,1%), MBB (2,9%), BID (1,6%), VCB (0,4%), VPB (2%),… vẫn có 4 mã giảm điểm, đều đến từ nhóm VN30 là LPB (-0,1%), SHB (-0,4%), TPB (-1,1%), SSB (-1,6%).
Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài, bất ngờ mua ròng gần 1.000 tỷ đồng trên sàn HoSE. Trong đó, khối ngoại “gom” mạnh nhất cổ phiếu MBB với giá trị hơn 348 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu MWG (301,81 tỷ đồng), cổ phiếu PNJ (221,22 tỷ đồng), cổ phiếu CTG (215,01 tỷ đồng), cổ phiếu FPT (153,31 tỷ đồng), cổ phiếu NLG (84,76 tỷ đồng), …
Ở chiều bán ra, khối ngoại “xả” mạnh nhất cổ phiếu VCB với giá trị 261,72 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu STB (151,05 tỷ đồng), cổ phiếu GEX (122,76 tỷ đồng), cổ phiếu SSI (62,92 tỷ đồng), cổ phiếu HDB (42,99 tỷ đồng), …
Theo đánh giá của giới phân tích, thông tin tích cực từ việc Mỹ - Trung thống nhất giảm thuế hàng hóa nhập khẩu trong 90 ngày tới đang hỗ trợ tâm lý thị trường. Tuy vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị theo dõi sát diễn biến cuộc đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp trong tuần tới.
Cổ phiếu Vinpearl cháy hàng trong ngày đầu lên sàn, cổ phiếu cùng họ Vingroup đồng loạt giảm
Ngày 13/5, cổ phiếu VPL của Công ty CP Vinpearl chính thức giao dịch trên sàn HoSE và ngay lập tức trở thành “hiện tượng” khi tăng trần 19,92% lên 85.500 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, Vinpearl đạt vốn hóa gần 154.000 tỷ đồng, lọt Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
VPL "cháy hàng" ngay trong ngày đầu tiên với chỉ 3 lệnh giao dịch, tổng cộng 4.800 cổ phiếu được khớp lệnh. Trong khi đó, lực cầu rất lớn với hơn 2 triệu cổ phiếu dư mua tại mức giá trần. Việc khan hiếm nguồn cung cùng sức hút của mã cổ phiếu mới giúp VPL đóng góp hơn 7 điểm cho VN-Index trong phiên này.
Vinpearl hiện là doanh nghiệp thứ tư trong hệ sinh thái Vingroup niêm yết trên HoSE, sau VIC (Tập đoàn Vingroup), VHM (Vinhomes) và VRE (Vincom Retail). Tính đến hết phiên 13/5, tổng giá trị vốn hóa của cả 4 doanh nghiệp “họ Vingroup” đạt khoảng 762.740 tỷ đồng.
Vinpearl không phải cái tên xa lạ với nhà đầu tư. Doanh nghiệp từng niêm yết trên HoSE từ tháng 1/2008 nhưng sau đó hủy niêm yết vào cuối năm 2011 để sáp nhập vào Tập đoàn Vingroup. Theo báo cáo tài chính quý I/2025, tỷ lệ sở hữu của Vingroup tại Vinpearl đạt 85,55%.
Vinpearl hiện vận hành ba mảng kinh doanh chính: khách sạn - khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí - khu phức hợp vui chơi và sân golf. Bên cạnh đó là các hoạt động bổ trợ như tổ chức hội nghị, sự kiện và kinh doanh bất động sản. Năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 1.700 tỷ đồng.
Trái ngược với đà tăng mạnh của “em út” VPL, nhóm cổ phiếu cùng họ lại đồng loạt giảm. Cụ thể, VIC giảm 1,39%, VHM giảm 1,28% và VRE giảm 1,96%. VIC ghi nhận thanh khoản cao, lọt Top 10 toàn thị trường với giá trị giao dịch gần 400 tỷ đồng, dù đã có 2/3 phiên gần đây chìm trong sắc đỏ sau giai đoạn tăng hơn 35% chỉ trong 10 phiên trước đó.
Sự phân hóa trong nhóm cổ phiếu Vingroup cho thấy nhà đầu tư đang dịch chuyển sự quan tâm sang “tân binh” VPL, kỳ vọng vào vai trò trụ cột mới trên thị trường trong thời gian tới.