VN-Index áp sát mốc 1.310 điểm, thanh khoản bùng nổ vượt 1 tỷ USD
Phiên giao dịch ngày 14/5 khép lại với sắc xanh lan tỏa và thanh khoản trên thị trường chứng khoán tăng vọt. Chỉ số VN-Index tăng mạnh 16,3 điểm, lên 1.309,73 điểm – mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua, nhờ lực đẩy mạnh mẽ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và sự trở lại đầy ấn tượng của khối ngoại.
Thanh khoản thị trường “bùng nổ”, với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt gần 29.600 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD). Riêng trên sàn HoSE, giá trị giao dịch đạt 26.500 tỷ đồng, tăng hơn 2.600 tỷ đồng so với phiên trước.
Dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào nhóm ngân hàng – “trụ cột” của thị trường: VPB tăng kịch trần +6,78%, BID +4,61%, VCB +3,35%, LPB +2,73%, TCB +1,53%, VIB +1,66%, TPB +1,47%... Nhóm chứng khoán cũng được nhà đầu tư săn đón: ORS +3,63%, VCI +2,31%, SSI +2,14%, HCM +1,74%, BSI +1,5%...
Cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt tăng giá góp phần nâng đỡ chỉ số chung: FPT +5,69%, PNJ +4,62%, VPL tăng trần phiên thứ hai liên tiếp (+6,9%), HPG +1,36%, GEX +3,2%, REE +4,08%...
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bộ đôi cổ phiếu “họ” Vin là VHM và VRE gây áp lực đáng kể lên chỉ số khi lần lượt giảm 2,58% và 2,76%. Một số mã vốn hóa lớn cũng chịu áp lực chốt lời: GVR -2,27%, VPI -1,63%, SIP -1,27%...
Đáng chú ý, khối ngoại trở lại mua ròng mạnh mẽ trên HoSE với giá trị gần 2.300 tỷ đồng. Những mã bị đẩy bán mạnh nổi bật là VHM 156 tỷ đồng, MSN 146 đồng, VRE 114 tỷ đồng, VNM 111 đồng, VSC 35 tỷ đồng,… Ngược lại, những mã được mua chủ yếu FPT 545 tỷ đồng, VPB 321 tỷ đồng, MWG 285 tỷ đồng, HPG 181 tỷ đồng, PNJ 181 tỷ đồng,…
Sự đồng thuận giữa dòng tiền trong nước và khối ngoại, cùng thanh khoản dồi dào, là tín hiệu tích cực cho xu hướng ngắn hạn. Nếu VN-Index vượt mốc 1.310 điểm một cách dứt khoát, thị trường có thể hướng tới vùng kháng cự 1.330–1.350 điểm. Tuy vậy, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần theo sát diễn biến kỹ thuật và các yếu tố vĩ mô toàn cầu.
VPB tăng trần với thanh khoản kỷ lục, vốn hóa cán mốc 6 tỷ USD
Cổ phiếu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB) đã bứt phá mạnh trong phiên giao dịch ngày 14/5, chốt phiên tại mức giá trần, xác lập thanh khoản kỷ lục. Khối lượng khớp lệnh đạt 95,6 triệu đơn vị – cao nhất từ trước đến nay. Thêm vào đó, giao dịch thỏa thuận đạt 11 triệu cổ phiếu, nâng tổng khối lượng giao dịch lên 106,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 1.952 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lực cầu vẫn duy trì mạnh khi cuối phiên còn dư mua giá trần gần 1,8 triệu cổ phiếu. Cùng với đó, khối ngoại đã mua ròng hơn 17,5 triệu cổ phiếu VPB – mức cao hiếm thấy trong thời gian qua. Room ngoại giảm xuống còn 434,4 triệu cổ phiếu, tương đương 5,48% vốn điều lệ – mức thấp nhất kể từ ngày 24/4.
Đà tăng này tiếp nối diễn biến tích cực từ phiên trước đó (13/5), khi VPB tăng hơn 2% với thanh khoản cao gấp rưỡi trung bình tháng. Khối ngoại cũng mua ròng hơn 2,3 triệu đơn vị, trị giá khoảng 41 tỷ đồng.
Sự bứt phá của VPB diễn ra trong bối cảnh thị trường chung khởi sắc. VN-Index phiên 14/5 tăng 16 điểm, lên sát ngưỡng 1.310 điểm. Rổ VN30 có tới 22 mã tăng, giúp chỉ số tăng 15 điểm lên 1.398 điểm. Trong nhóm ngân hàng, VPB là cổ phiếu duy nhất tăng trần, vượt trội so với BID (+4,6%), VCB (+3,4%), LPB và ABB (+2,7%), hay TCB, TPB, VIB, OCB, EIB đều tăng trên 1%.
Động lực tăng giá của VPB còn đến từ thông tin ngày 15/5 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt. VPBank dự kiến chi trả cổ tức với tỷ lệ 5%, tương ứng 500 đồng/cổ phiếu. Ngày thanh toán là 23/5, tổng giá trị chi trả gần 3.967 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp ngân hàng thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, đúng với cam kết từ năm 2023 về chính sách cổ tức ổn định trong 5 năm.
Với cú tăng trần ấn tượng, vốn hóa thị trường của VPBank đã cán mốc khoảng 6 tỷ USD, củng cố vị thế trong nhóm cổ phiếu ngân hàng có sức ảnh hưởng lớn trên sàn HOSE.