Theo ghi nhận, gá heo hơi hôm nay tại miền Bắc biến động nhẹ, cụ thể: Hà Nội giảm 2.000 đồng/kg xuống mức 93.000 đồng/kg. Ngược lại Ninh Bình lại tăng thêm 2 giá để lên 95.000 đồng/kg. Tỉnh Hưng Yên giá heo vẫn đang ở mức 95.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Tuyên Quang, Bắc Giang giá heo được thu mua trong khoảng từ 92.000 - 94.000 dồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay giảm nhẹ, cụ thể: hai tỉnh cao nhất là Thanh Hóa và Nghệ An đã giảm 3.000 đồng/kg xuống còn 92.000 đồng/kg. Bình Định thậm chí còn giảm mạnh hơn với 4.000 đồng/kg đến xuống mức giá 88.000 đồng/kg. Quảng Bình giảm 2 giá, xuống 83.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không thay đổi. Tỉnh Hà Tĩnh, Lâm Đồng giá heo đang ở mức 95.000 đồng/kg và 92.000 đồng/kg. Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận giá heo đang ở mức 88.000 đồng/kg. Còn tại Đak Lak, Quảng Bình, Huế, Khánh Hòa, Quảng Trị giá heo dao động trong khoảng từ 82.000 - 85.000 đồng/kg.
Tương tự 2 miền trên, giá heo hôm nay tại miền Nam cũng ghi nhận giảm, cụ thể: tỉnh Bến Tre giảm mạnh 5.000 đồng/kg xuống mức 90.000 đồng/kg. Cũng giảm nhưng mức nhẹ hơn chỉ 1.000 đồng/kg là Vĩnh Long, còn 94.000 đồng/kg. Trong khi đó, Trà Vinh vẫn là tỉnh duy trì giá heo hơi cao nhất trong cả nước với 96.000 đồng/kg, thấp hơn một chút là Đồng Nai với 95.000 đồng/kg. Tại Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vũng Tàu giá heo dao động trong khoảng từ 90.000 - 94.000 đồng/kg.
Dự báo giá heo hơi ngày mai 27/12: Xu hướng tăng có quay trở lại?
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 25/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, kiểm tra tình hình cung ứng thịt lợn, tái đàn tại Bắc Giang, cơ quan này ghi nhận nhiều nơi giá lợn hơi bị đẩy lên 140.000 đồng, mà người nuôi chưa bán. Hoặc tại Hưng Yên, giá thịt hơi bị đẩy lên tới 160.000 - 170.000 đồng/kg, song người dân vẫn muốn giữ hàng chờ Tết.
Hiện tượng thương lái, người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán, chờ giá tăng cao hơn cũng được Bộ Công Thương phản ánh trong báo cáo đưa ra gần đây. Vụ Thị trường trong nước đã có văn bản gửi Tổng cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương các địa phương yêu cầu kiểm tra, rà soát hiện tượng găm hàng. Theo đó, quản lý thị trường đã đồng loạt ra quân, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất nhằm chống găm hàng, tăng giá.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhập khẩu thịt lợn là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Với trách nhiệm quản lý của mình, Bộ Công Thương sẽ thông qua thương vụ tại các nước, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác cung cấp, đàm phán hợp đồng...
Cũng tại cuộc họp, ông Phùng Đức Tiến cho biết, dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thiếu làm giá lợn tăng, song tổng thể cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, tăng 760.000 tấn so với 2018. Phần tăng thêm của các loại thực phẩm khác đã "phần nào bù đắp thiếu hụt thịt lợn". Ông nói thêm, từ tháng 1/2020 sẽ bắt đầu cung ứng thịt lợn từ tái đàn và tiếp tục nhập khẩu mặt hàng này để đáp ứng nhu cầu người dân.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu bộ này thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng "không để thiếu thịt lợn, nếu thiếu thì phải nhập khẩu ngay". Riêng với hành vi đầu cơ, găm hàng, ông Huệ nói yêu cầu các cơ quan "kiểm tra, xử lý nghiêm".