Thu hoạch cà phê nhân tại Đak Lắk |
Tỉnh Đắk Lắk cũng đã phối hợp với đoàn chuyên gia của dự án EU-Mutrap để xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột vào thị trường EU nhằm qua đó góp phần nâng tầm sản phẩm càphê nhân xuất xứ tại tỉnh Đắk Lắk đến với các nước trên thế giới.
Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng quảng bá càphê Việt Nam nói chung và càphê có Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột nói riêng đến với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhờ vậy, sản lượng càphê nhân của Buôn Ma Thuột, của Đắk Lắk được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tiêu thụ ngày càng tăng.
Chỉ riêng niên vụ 2015-2016, càphê nhân của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu sang 75 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, có 5 thị trường mới được mở rộng so với niên vụ trước là Genoa, Genova, Guatemala, Iran và Panama.
Đặc biệt, các nước Nhật Bản, Thụy Sỹ, Đức, Hoa Kỳ là những nước tiêu thụ sản phẩm càphê nhân của tỉnh Đắk Lắk nhiều nhất.
Cụ thể, niên vụ vừa qua, thị trường Nhật Bản đã tiêu thụ gần 32.250 tấn càphê nhân, đạt kim ngạch gần 56,60 triệu USD. Thụy Sỹ tiêu thụ trên 23.000 tấn, đạt kim ngạch trên 41 triệu USD.
Kế đến là thị trường Đức nhập khẩu trên 22.000 tấn càphê nhân, kim ngạch trên 37,5 triệu USD. Thị trường Hoa Kỳ tiêu thụ trên 13.800 tấn càphê nhân, kim ngạch đạt trên 23 triệu USD.
Cũng trong niên vụ 2015-2016, có 9 thị trường như Italy, Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Bỉ… đạt kim ngạch trên 10 triệu USD và 22 thị trường khác đạt kim ngạch trên 1 triệu USD.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 203.300 ha càphê, trong đó có gần 193.000 ha càphê kinh doanh cho thu hoạch, với sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn càphê nhân trở lên, trong đó đã có 10 đơn vị được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột. Đây cũng là địa phương có diện tích, sản lượng càphê vối nhiều nhất trong cả nước.