Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết bộ đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó đề cập tới việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít.
Ngày 10/3, Bộ Tư pháp đã thay mặt Chính phủ ký tờ trình gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội.
Theo đó, lãnh đạo Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế thực hiện rà soát, hoàn thiện báo cáo tổng kết tình hình thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường trước ngày 15/4.
Bộ đồng thời, giao Viện Chiến lược và Chính sách tài chính chủ trì thực hiện việc rà soát, hoàn thiện Báo cáo và bổ sung đánh giá tác động của chính sách được đề nghị sửa đổi thêm so với tờ trình số 22/TTr-BTC trước đó.
Dự kiến, lộ trình của dự án Luật sửa đổi sẽ là trong tháng 4, Bộ Tài chính tiến hành lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân về dự án Luật. Trong tháng 5 sẽ xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ dự án luật, để Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 6.
Tới tháng 7, dự án Luật sẽ được gửi tới Ủy ban Tài chính, ngân sách Quốc hội để thẩm tra, đến tháng 8 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tháng 9, dự án Luật sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội sau khi Ủy ban Thường vụ Quộc hội đã đưa ra ý kiến. Tới tháng 10, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua.
Nếu theo đúng lộ trình, có thể giữa tháng 10, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ có khung mới, và mức tối đa có thể lên tới 8.000 đồng/lít, cao hơn nhiều so với mức 4.000 đồng/lít như hiện nay.
Trước đó, Bộ Tài chính có dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đề cập tới việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, gồm mức thuế tối thiểu bằng mức thuế đang áp dụng, và mức tối đa bằng 2 lần khung thuế hiện hành. Riêng khung thuế dầu hỏa sẽ được giữ nguyên.
Cụ thể, khung thuế đối với xăng dầu sẽ tăng từ mức tối thiểu 1.000 đồng và tối đa 4.000/lít lên mức tối thiểu 3.000 đồng và tối đa 8.000 đồng/lít.
Sau khi dự thảo về việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường được Bộ Tài chính phát đi, nhiều bộ ngành và tổ chức đã có ý kiến phản hồi.
Bộ Ngoại giao đưa ra ý kiến đề nghị Bộ Tài chính nên cân nhắc sự cần thiết và lộ trình thực hiện việc nâng khung thuế với xăng dầu. Đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, mặt hàng thiết yếu này đã gánh nhiều loại thuế và phí. Bộ này cũng kiến nghị bổ sung đánh giá tác động về kinh tế, xã hội đối với phương án nâng khung thuế của xăng trong dự thảo.
Bộ Tư pháp cho rằng Bộ Tài chính cần đánh giá tác động một cách cẩn trọng đối với các chính sách, đặc biệt là việc điều chỉnh khung thuế suất đối với nhóm hàng hóa xăng, dầu,... cao gấp đôi quy định hiện hành, tạo khoảng cách lớn giữa mức thuế tối thiểu và mức thuế tối đa.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng lo ngại việc tăng thuế đối với xăng dầu sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Trước những phản hồi từ các bộ ngành, Bộ Tài chính đã đưa ra lý do và đề nghị giữ nguyên phương án điều chỉnh khung thuế đối với xăng dầu ở mức tối thiểu là 3.000 đồng/lít và tối đa là 8.000 đồng/lít.