VN- Index tăng hơn 73 điểm, bảng điện tử tím lịm
Tâm lý nhà đầu tư lập tức chuyển biến tích cực, khiến VN-Index tăng mạnh hơn 73 điểm, tương đương 6,68%, lên mức 1.167 điểm khi kết thúc phiên sáng. Đây là mức tăng điểm trong phiên mạnh nhất trong gần 24 năm qua.
Thị trường chứng khoán sáng 10/4 ngập tràn sắc tím
Sắc xanh lan rộng toàn thị trường với 635 mã tăng trần, 244 mã tăng giá và chỉ có 38 mã giảm điểm. Lực cầu bắt đáy áp đảo khiến nhiều cổ phiếu trắng bên bán, thanh khoản toàn thị trường đạt khoảng 237 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch khoảng 5.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường tăng mạnh, tâm lý chốt lời gần như không xuất hiện, trong khi lực mua vào ở mức giá trần ngày càng gia tăng.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò dẫn dắt xu hướng hồi phục. Trong rổ VN30, cả 30 mã đều tăng hết biên độ. Các mã như HPG, VIC, CTG, SSI, SHB, FPT đều ghi nhận lực cầu mạnh và thanh khoản ấn tượng. Trong khi đó, ACB tăng 6,88% lên 23.300 đồng, với khối lượng giao dịch đạt 82.700 cổ phiếu. BCM đạt 60.600 đồng, tăng 6,87% so với giá tham chiếu. BID cũng ghi nhận mức tăng 6,93% lên 34.650 đồng, với hơn 521.000 cổ phiếu được khớp lệnh. FPT tăng kịch trần lên 112.600 đồng, còn GVR cũng không kém cạnh khi tăng 6,89%, đạt mức 25.600 đồng và thu hút dòng tiền lớn.
Không chỉ các cổ phiếu lớn, nhóm ngành thép, xuất khẩu, bất động sản, công nghệ thông tin và nông nghiệp cũng đồng loạt phục hồi mạnh. Nhiều mã trong các nhóm này tăng hết biên độ, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã có sự chuyển biến rõ rệt sau chuỗi phiên điều chỉnh kéo dài.
Thời điểm để cơ cấu danh mục
Theo các chuyên gia, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng là thông tin tích cực và được mong đợi từ lâu. Trong bối cảnh thị trường liên tục giảm sâu, động thái này như “liều thuốc trấn an” giúp nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm và sẵn sàng quay lại bắt đáy. chuyên gia nhận định, thông tin này không chỉ giúp doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, hoàn thiện đơn hàng và đẩy nhanh tiến trình đàm phán với đối tác Mỹ, mà còn tạo lực đỡ tâm lý rất mạnh cho thị trường trong nước.
Các chuyên gia cũng cho rằng xu hướng tăng có thể sẽ tiếp diễn trong phiên chiều, với kịch bản “trắng bên bán” tiếp tục xảy ra khi lực cầu áp đảo. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đây là đợt hồi phục mang tính kỹ thuật, giống như một cơ thể sau chấn thương cần thời gian để phục hồi hoàn toàn. Việc VN-Index quay lại vùng đỉnh cũ 1.340 điểm là điều không dễ.
Dưới góc nhìn tích cực nhất, nhiều chuyên gia dự báo VN-Index có thể đạt đến vùng 1.240 điểm trong đợt hồi phục này – tức tăng khoảng 10% so với mặt bằng hiện tại. Tuy nhiên, sang tuần sau, thị trường có thể chững lại và xuất hiện sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Những ngành không chịu ảnh hưởng bởi thuế quan như đầu tư công, sản xuất – kinh doanh trong nước được dự báo sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền và có diễn biến tích cực.
Chứng khoán VPBankS cho rằng, lực cầu bắt đáy trong phiên trước đã hoạt động mạnh, dù áp lực bán vẫn lớn khiến VN-Index mất mốc 1.100 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật giảm sâu, đặc biệt RSI tiệm cận vùng đáy hồi tháng 3/2020. Do đó, khả năng xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật trong các phiên tới vẫn được kỳ vọng.
Chứng khoán Thành Công (TCSC) nhận định, tâm lý nhà đầu tư có thể dần ổn định. Đây là thời điểm phù hợp để cơ cấu danh mục, ưu tiên các cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế mới.
Khối ngoại trong phiên sáng vẫn tiếp tục bán ròng mạnh với tổng giá trị lên tới 873 tỷ đồng, tập trung vào các mã KBC (153 tỷ đồng), TLG (124 tỷ đồng), CTG (90 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, nhóm này giải ngân nhẹ vào ACB (24 tỷ đồng) và TCB (21 tỷ đồng).
Với nhà đầu tư cá nhân, chuyên gia đưa ra lời khuyên: Đây là cơ hội để mua vào các cổ phiếu cơ bản tốt, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước không bị ảnh hưởng bởi xuất khẩu hay chính sách thuế quan. Những nhà đầu tư đang kẹt hàng nên bình tĩnh tận dụng nhịp hồi kỹ thuật này để cơ cấu lại danh mục. Với những ai còn cầm tiền, không nên quá vội vàng bởi thị trường tuần tới sẽ ổn định hơn và tạo thêm cơ hội đầu tư ở vùng giá hợp lý.
Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, tâm lý hoảng loạn đã chuyển từ trạng thái lo sợ bán tháo sang lo sợ mất cơ hội – điều này sẽ sớm cân bằng trở lại khi thị trường đi vào trạng thái giao dịch trầm lắng và ổn định hơn. Cùng với kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ nhằm thúc đẩy kinh tế nội địa, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều dư địa tích cực trong trung và dài hạn.