Chứng khoán tiếp tục lao dốc: VN-Index thủng mốc 1.100 điểm, hơn 220 mã giảm sàn
Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 9/4 tiếp tục chìm sâu trong sắc đỏ khi VN-Index mất 38,49 điểm, tương đương 3,04%, đóng cửa ở mức 1.094,3 điểm. Đây là phiên giảm thứ tư liên tiếp, kéo tổng mức giảm của chỉ số VN-Index lên gần 224 điểm – mức sụt giảm mạnh chưa từng thấy kể từ đầu năm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 9/4. Nguồn: Người quan sát
Diễn biến tiêu cực diễn ra trong bối cảnh Mỹ chính thức áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi cuộc đàm phán do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu sẽ chỉ diễn ra vào đêm nay. Lo ngại về tác động từ thuế quan, tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan, kích hoạt làn sóng bán tháo trên diện rộng.
Toàn bộ các nhóm ngành đều giảm điểm, trong đó vật liệu cơ bản (-6,36%), năng lượng (-6,52%) và hàng tiêu dùng (-3,96%) là những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Riêng nhóm công nghệ giảm nhẹ 0,99% nhờ cổ phiếu FPT giữ được sắc xanh (+0,19%), trong khi các mã như CMG, ELC vẫn giảm sàn.
Nhóm bất động sản ghi nhận mức giảm trung bình 1,1%, nhưng nếu không có lực đỡ từ ba cổ phiếu trụ nhà Vingroup gồm VIC (+3,45%), VHM (+3,19%) và VRE (+2,86%), mức sụt giảm có thể sâu hơn. Hàng loạt mã bất động sản lớn vẫn giảm sàn như DXG, NLG, PDR, HDC...
Cổ phiếu ngân hàng – nhóm duy nhất thu hút được dòng tiền “bắt đáy” – cũng không thoát khỏi sắc đỏ. VCB giảm tới 5,94%, BID mất 3,13%, STB, HDB, TCB, SHB cũng giảm sâu. Riêng nhóm chứng khoán chứng kiến biến động dữ dội với hàng loạt mã “kéo - xả” liên tục rồi chốt phiên giảm sàn như SSI, VCI, HCM, FTS, ORS...
Tổng cộng, toàn thị trường có 220 mã giảm sàn. Riêng sàn HoSE ghi nhận 351 mã giảm giá, trong đó có tới 148 mã giảm sàn. Thanh khoản thị trường tăng vọt nhờ lực bắt đáy mạnh, giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 32.400 tỷ đồng, tăng hơn 7.100 tỷ so với phiên trước. Nếu tính cả HNX, thanh khoản toàn thị trường gần 34.400 tỷ đồng – tương đương hơn 1,3 tỷ USD.
Một điểm sáng hiếm hoi là khối ngoại quay lại mua ròng gần 284 tỷ đồng sau chuỗi bán ròng liên tiếp. MWG, FPT và TCB là ba cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất, lần lượt đạt gần 397 tỷ, 245 tỷ và 145 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chưa có tín hiệu ổn định, giới phân tích cảnh báo nhà đầu tư nên hạn chế bắt đáy bằng margin và cần theo dõi sát các động thái đàm phán thương mại trong thời gian tới.
Cổ phiếu họ Vin gánh thị trường
Tuy nhiên, điểm sáng nổi bật của phiên hôm nay là cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup. Mã này tăng mạnh 4,5%, lên 57.000 đồng – dẫn đầu rổ VN30 về biên độ tăng và có thời điểm tiến sát mức trần 58.900 đồng. Hai mã cổ phiếu cùng hệ sinh thái là VHM (Vinhomes) và VRE (Vincom Retail) cũng tăng lần lượt 3,19% và 2,86%, góp phần giúp VN-Index không rơi sâu hơn.
Sự tăng trưởng ấn tượng của cổ phiếu Vingroup đến từ thông tin tích cực về kế hoạch đầu tư lớn tại Hà Tĩnh – quê hương của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng. Tập đoàn chuẩn bị khởi công khu công nghiệp chuyên ngành sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô có quy mô gần 1.000ha với tổng vốn đầu tư hơn 13.276 tỷ đồng. Đồng thời, nhà máy VinFast tại Khu kinh tế Vũng Áng dự kiến xuất xưởng ô tô điện đầu tiên vào tháng 9/2025 – thiết lập kỷ lục về tốc độ xây dựng trong ngành ô tô toàn cầu.
Khu công nghiệp phụ trợ quy mô 1.000ha cũng sẽ được khởi công vào tháng 8, hình thành hệ sinh thái sản xuất đồng bộ. Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, dự án kỳ vọng thu hút thêm các nhà đầu tư công nghệ cao và đóng góp cho ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm.
Dù thị trường chung vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, dòng tiền bắt đáy đã nhập cuộc mạnh hơn, đẩy thanh khoản trên sàn HoSE lên hơn 32.400 tỷ đồng, tăng 7.100 tỷ đồng so với phiên trước. Khối ngoại cũng quay lại mua ròng gần 284 tỷ đồng, tập trung vào các mã MWG, FPT và TCB.
Trong bối cảnh đầy biến động, sự khởi sắc của VIC cùng hệ sinh thái Vingroup đang trở thành lực đỡ hiếm hoi giúp nhà đầu tư phần nào giữ vững niềm tin trên thị trường.