Khối ngoại tiếp tục xả ròng
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 27/3. Sau buổi sáng giằng co quanh tham chiếu, VN-Index lao dốc mạnh vào phiên chiều, có thời điểm mất 5 điểm. Nhờ sự bứt phá của một số cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, SHB, chỉ số thu hẹp đà giảm và đóng cửa tại mức 1.323 điểm, giảm hơn 2 điểm so với phiên trước.
Thanh khoản thị trường suy giảm đáng kể. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chỉ đạt hơn 17.500 tỷ đồng, riêng HoSE ghi nhận gần 16.000 tỷ đồng, giảm gần 3.000 tỷ đồng so với phiên trước.
Hôm nay, sắc đỏ chiếm ưu thế trên hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt là nhóm ngân hàng, chứng khoán, logistics... trở thành tâm điểm bị nhà đầu tư "xả" hàng.
Ở nhóm ngân hàng, nhiều cổ phiếu giảm giá, trong đó TPB giảm 1,38%, TCB mất 0,89%, BID giảm 1,14%, LPB giảm 1,35%, CTG giảm 0,36% và VCB mất 0,46%. Trái ngược với xu hướng chung, SHB lại bứt phá mạnh mẽ, tăng 3,67%.
Nhóm chứng khoán cũng không khả quan hơn khi hàng loạt mã giảm mạnh: MBS (-1,3%), ORS (-1,48%), HCM (-1,92%). Tuy nhiên, VND là điểm sáng hiếm hoi khi tăng gần 2%.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng bán ròng, nhưng giá trị bán ròng trên sàn HoSE đã giảm còn 63 tỷ đồng. Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh có DBC (65,51 tỷ đồng), PNJ (43,75 tỷ đồng) và SAB (38,56 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, khối ngoại giải ngân mạnh nhất vào SHB với giá trị gần 70 tỷ đồng. Theo sau là VCI (56,9 tỷ đồng), MSN (43,26 tỷ đồng), GVR (42,01 tỷ đồng), VND (37,18 tỷ đồng) và FPT (33,71 tỷ đồng).
Trong bối cảnh thị trường "đỏ lửa", cổ phiếu FPT bất ngờ trở thành điểm sáng khi được cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài "gom" hàng mạnh. Kết phiên, giá FPT tăng 2,6% lên 126.200 đồng/cp, với gần 6,5 triệu đơn vị được giao dịch. Đáng chú ý, sau nhiều phiên bị bán ròng, hôm nay khối ngoại đã quay lại mua ròng cổ phiếu này với giá trị gần 30 tỷ đồng.
Bên cạnh FPT, một số cổ phiếu ngược dòng thị trường và thu hút dòng tiền như MSN (+1,61%), SHB (+3,67%), CTR (+1,97%), GVR (+1,3%), VND (+1,97%), BVH (+1,92%) và TCH (+3,3%).
Phiên giao dịch 27/3 cho thấy áp lực bán vẫn lớn, đặc biệt ở nhóm tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn tìm đến một số mã có nền tảng cơ bản tốt, giúp VN-Index tránh giảm sâu hơn. Nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và xu hướng giao dịch của khối ngoại trong những phiên tới.
Một cổ phiếu cà phê lên kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 480%
Công ty CP Vinacafé Biên Hòa (HoSE: VCF) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2025, dự kiến tổ chức vào ngày 16/4 tại TP Hồ Chí Minh. Một trong những nội dung đáng chú ý là kế hoạch chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ lên đến 480%, tương đương 48.000 đồng/cp. Ngay sau thông tin này, cổ phiếu VCF lập tức tăng trần trong phiên chiều 27/3, đạt mức 238.000 đồng/cp.
Theo kế hoạch, thời gian thanh toán cổ tức sẽ diễn ra trong vòng 6 tháng sau khi được thông qua. Với gần 26,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền mà VCF dự kiến chi trả lên đến 1.275,7 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn Masan (MSN) – cổ đông lớn nhất của VCF – sẽ nhận về khoảng 859,8 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu gián tiếp 67,4% tại doanh nghiệp này.
Lịch sử chi trả cổ tức của VCF cũng ghi nhận nhiều mức chi cao ấn tượng. Trong giai đoạn 2019 - 2021, công ty duy trì mức chi từ 24.000 - 25.000 đồng/cp/năm. Đặc biệt, năm 2018, VCF từng chi tới 66.000 đồng/cp, cho thấy chính sách cổ tức hấp dẫn của doanh nghiệp này.
Công ty cũng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế, tập trung vào Bắc Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đồng thời, VCF có kế hoạch di dời các dây chuyền đóng gói từ nhà máy Biên Hòa về nhà máy Long Thành, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Trên sàn chứng khoán, VCF hiện là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất, chỉ đứng sau Vinagame (VNZ) và Bến xe miền Tây (WCS). Ngay sau thông tin chia cổ tức "khủng", cổ phiếu này lập tức tăng trần, thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư.