“Cháy hàng” ô tô mùa Tết
Bước sang 2018, thời điểm được dự đoán bùng nổ của thị trường ôtô Việt khi thuế nhập khẩu về 0% và đòn bẩy từ nhu cầu mua xe chơi Tết của người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, khi nhu cầu mua xe chơi Tết của khách hàng lên cao thì nguồn cung cả xe nhập và xe lắp ráp trong nước đều lâm vào cảnh khan hàng vì chính sách thuế và quy định nhập khẩu của Chính phủ. Rất nhiều người tiêu dùng tìm đến đại lý để mua xe và đều nhận được một câu trả lời giống nhau: “Hết xe để bán”.
Từ giữa tháng 1/2018, Công ty ôtô Trường Hải đã có công văn gửi tới các đại lý, thông báo ngừng ký hợp đồng với khách hàng mua xe Mazda CX5, giao trước Tết. Hãng đã gửi thông báo cho tất cả các đại lý về việc ngừng giao dịch dòng xe này do hết hàng giao trước Tết.
Tương tự như vậy là các mẫu Hyundai do Hyundai Thành Công lắp ráp. Mẫu Santa Fe đang “cháy hàng” do nguồn cung từ nhà máy hạn chế, các mẫu xe khác là Elantra và Tucson được các đại lý thông báo sẽ lùi thời gian giao xe cho khách. Đại diện Hyundai Thành Công cho biết: "Việc lùi giao xe là do tình trạng bên Hàn Quốc đình công kéo dài, gây thiếu hụt linh kiện".
Ngoài 3 mẫu xe kể trên, mẫu xe nhỏ là Grand i10 cũng hết hàng. Mẫu xe nhỏ này chỉ còn phiên bản base, chủ yếu bán cho khách hàng kinh doanh taxi, những phiên bản còn lại đã ngừng giao dịch kể từ giữa tháng 1/2018.
Hơn nửa tháng qua, các đại lý của Honda Việt Nam đã treo bảng ngưng nhận đặt hàng với mẫu City lắp ráp trong nước do linh kiện không đủ đáp ứng. Một loạt mẫu xe lắp ráp trong nước khác như Nissan X-Trial, Nissan Suny, Mitsubishi Outlander, Chevrolet Captiva,... cũng trong tình cảnh tương tự.
Đại diện truyền thông của Mitsubishi Motors Việt Nam cho biết, mẫu Outlander lắp ráp trong nước, ra mắt ngày 23/1 vừa qua, đã giao đợt đầu cho khách hàng vào đầu tháng 2 và sẽ không có thêm xe để giao, bởi nhu cầu mua xe Outlander trên thị trường vượt quá kế hoạch của nhà máy.
Hiện công suất nhà máy chỉ có thể lắp ráp 200 xe/tháng, nhưng số lượng khách hàng cần xe trước Tết nguyên đán cao, không đáp ứng kịp.Thời gian dự kiến xuất xưởng xe đợt sau, sẽ rơi vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4/2018.
Với Ford Việt Nam, mẫu EcoSport 2018 mới ra mắt chỉ có hàng bày mẫu tại các đại lý. Xe chưa có giá chính thức, nhân viên bán hàng chưa được đào tạo về mẫu xe mới này, vì vậy khó nói khi nào khách hàng mua được. Đại diện Ford Việt Nam cho biết, khách hàng mua EcoSport 2018 chắc chắn phải đợi sau Tết mới nhận được xe.
Trong khi đó, mẫu EcoSport cũ đã hết hàng từ hơn 1 tháng nay. Các mẫu xe khác như Focus, Ranger,... cũng không còn nhiều, một số đại lý chỉ còn 1-2 xe và chỉ còn những màu khách hàng ít lựa chọn như xám hay đen.
Khốn khổ vì xe
Nhiều khách đã đặt cọc, ký hợp đồng mua xe từ trước đến nay vẫn chưa thấy xe đâu, thậm chí bị trả lại tiền đặt cọc. Một khách hàng tại Tứ Kỳ, Hải Dương kể rằng, từ tháng 12/2017, gia đình chị đã ký hợp đồng mua chiếc Sunny XL của hãng Nissan, giá 468 triệu đồng, tại một đại lý ở Hà Nội. Khi đặt mua, đại lý cam kết chỉ 2-3 tuần là có xe nhưng đến nay hơn 1 tháng rồi vẫn chưa có. Hỏi thì đại lý cáo lỗi do có quá nhiều đơn hàng, nên nhà máy lắp ráp không kịp và cứ khất hết lần này đến lần khác.
Nhiều đại lý ô tô tiếc đứt ruột khi nhu cầu khách hàng tăng cao, lại thiếu xe để đáp ứng. Cả năm vừa rồi toàn đại hạ giá với xả hàng tồn kho, đến bây giờ khi nhu cầu lên cao thì không có xe để bán.
Trong khi đó, nhiều khách hàng bị hủy hợp đồng đã không khỏi bức xúc. Có người không biết làm cách nào, quay ra gây sức ép với nhân viên bán hàng và đại lý. Một số nhân viên bán xe than thở họ quá mệt mỏi. Trước đây, xe bán không ai mua, nhiều tháng không đạt doanh số, nay nhu cầu tăng lại thiếu xe.
Đến thời điểm này, chỉ có 1 số hãng xe "may mắn" nhập được vài lô xe với số lượng rất nhỏ. Lô hàng 750 xe Honda CR-V mới về Việt Nam trước 2018 là tin vui với người tiêu dùng trước thời điểm quy định siết chặt nhập khẩu ôtô có hiệu lực. Tuy nhiên, mức giá không những không giảm như kỳ vọng mà ngược lại bị tăng lên do thuế nhập khẩu vẫn chịu mức 30% của 2017.
Bên cạnh Honda CR-V, những mẫu xe hút khách khác như Toyota Fortuner, Toyota Altis, Toyota Vios G, Ford Ranger… cũng có tình trạng nâng giá bằng cách đại lý ép khách mua thêm phụ kiện vài chục triệu đồng nếu muốn giao xe trước Tết. Kiểu bán xe "bia kèm lạc" tạo nên tâm lý ức chế đối với đa số khách hàng.
“Họ nắm được tâm lý mình cần mua xe để đi Tết nên bắt phải mua kèm phụ kiện. Tuần trước tôi mua xe Toyota Altis 1.8, phải lắp thêm 30 triệu phụ kiện mới được giao xe trước Tết”, anh Đinh Trọng Ninh, một khách hàng mua xe chia sẻ.
Ước tính của các doanh nghiệp ô tô cho thấy, có khoảng 20% số khách hàng có nhu cầu đã không mua xe trong năm 2017, đợi sang đầu 2018 mua xe giá rẻ. Tuy nhiên, xe nhập giá rẻ không về, xe trong nước lắp ráp không tăng, lại trùng với dịp cuối năm âm lịch, nhiều người muốn sắm xe chơi Tết, nhu cầu tăng cao nên dẫn đến tình trạng khan hiếm, giá xe bị đẩy lên, không có xe để mua.