Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến ngày càng phức tạp, ngày 30/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức cuộc họp bàn về việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt heo nhằm ổn định cung cầu thị trường từ nay đến cuối năm 2019.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 43 tỉnh, thành. Tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy tính đến ngày 24/5 là trên 1,7 triệu con (chiếm khoảng 5% tổng đàn heo cả nước).
Ảnh minh họa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, do ảnh hưởng của dịch tả lợn nên từ cuối tháng 4 đến nay, giá lợn hơi tiếp tục giảm trở lại, hiện giá lợn hơi tại phía Bắc phổ biến từ 28.000-33.0000 đồng/kg, giá lợn hơi từ miền Nam phổ biến từ 32.000-38.000 đồng/kg (giảm 2.000-8.000 đồng/kg so với tháng trước), giá thịt lợn thành phẩm từ 70.000-90.000 đồng/kg (tùy chủng loại, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng trước).
"Trung bình mỗi năm, người tiêu dùng trong nước tiêu thụ khoảng 5,4 triệu tấn thịt các loại, trong đó, riêng khối lượng thịt lợn đã lên tới 3,8 triệu tấn (chiếm khoảng 70% tổng lượng thịt tiêu thụ của người Việt). Việc giá lợn và tổng đàn giảm hiện chưa tác đông nhiều tới nguồn cung, tuy nhiên sức ép những tháng cuối năm sẽ rất lớn" - ông Đỗ Thắng Hải nói.
Một trong những giải pháp được Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT nghiên cứu đề xuất Chính phủ cơ chế thực hiện là cấp đông thịt lợn. Đây được xem là một trong các giải pháp cần thiết để giảm thiểu lây lan dịch bệnh, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, giữ ổn định giá lợn không bị rơi xuống thấp trong thời điểm hiện nay, đảm bảo thực phẩm sạch, cung cấp thịt lợn trong thời gian tới, không để sốt giá, nhất là những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Tuy nhiên, nhìn nhận về tính khả thi khi thực hiện chủ trương giết mổ, cấp đông thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết mổ và chế biến còn hạn chế, việc cấp đông, sản phẩm thịt lợn trong một thời gian dài với khối lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính.
Ngoài ra, cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung còn hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu về giết mổ của cơ sở chế biến, cấp đông (cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng).
Đặc biệt, nhu cầu thói quen tiêu dùng thịt lợn cấp đông của người dân còn hạn chế, gây lo ngại cho doanh nghiệp trong việc dự trữ, bán các sản phẩm này. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra phù hợp với yêu cầu của khách hàng, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng nhà nước cần có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp triển khai từ việc hỗ trợ tìm nguồn thịt heo sạch đến hỗ trợ bằng quỹ bình ổn để DN kinh doanh có lãi. Trước ý kiến này, các doanh nghiệp như Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Công ty CP Thực phẩm Vinh Anh liệt kê các chi phí như: đông lạnh, trữ đông, vận chuyển... tăng sẽ làm giá thành thịt cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất, chế biến bình thường. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý có phương án hỗ trợ về tài chính, lãi suất trong thời điểm khó khăn này.
Sau cuộc họp, Bộ Công Thương sẽ đề xuất Chính phủ cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc cấp đông, dự trữ thịt heo (chi phí lưu kho, một phần lãi suất vay ngân hàng, phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông...). Đồng thời, đề xuất các ngân hàng thương mại ưu tiên những gói vốn có lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia triển khai việc cấp đông dự trữ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay, khả năng tiếp cận vốn vay. Bộ NN-PTNT sẽ tạo điều kiện trong việc chứng nhận các sản phẩm an toàn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp để hỗ trợ việc tổ chức cấp đông.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền biện pháp để người dân hiểu rằng, thịt lợn thu mua, giết mổ, cấp đông đều được kiểm dịch, an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.