Ngày 22/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết trên địa bàn phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên vừa xuất hiện một ổ dịch tả heo châu Phi.
Ảnh minh họa.
Trước đó, ngày 12/5, ông Đinh Thanh Hồng (ngụ khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh) phát hiện 2 con heo nái bị sốt rồi bỏ ăn nên gây chết cho 23 heo con. Số heo chết cũng đã được chủ hộ đem chôn ở vườn nhà. Từ ngày 18 đến 19/5, 27 con heo còn lại (heo cai sữa, heo lứa và heo thịt) cũng bắt đầu có triệu chứng sốt và bỏ ăn. Lúc này, chủ hộ mới thông báo cho cán bộ thú y đến hướng dẫn cách tiêu độc, khử trùng.
Ngay sau khi nhận được tin báo, trong ngày 21/5, Chi cục Thú y cử cán bộ xuống hiện trường lấy mẫu heo bệnh gửi đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm từ Chi cục thú y vùng VII cho thấy đàn heo trên bị mắc dịch tả heo châu Phi. Tối 21/5, 27 con heo còn lại của hộ chăn nuôi trên đã bị tiêu hủy.
Theo cơ quan chức năng, bước đầu xác định nguyên nhân xảy ra ổ dịch có thể là do nguồn thức ăn cho heo được sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt từ các quán ăn.
Sau khi phát hiện ổ dịch trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang đã khẩn trương lập 8 chốt kiểm dịch tạm thời đường bộ, 2 chốt đường thủy kiểm soát trên sông Tiền (huyện Chợ Mới) và chốt trên sông Hậu (TP Long Xuyên). Đồng thời, thực hiện các giải pháp theo dõi, giám sát đàn heo để lấy mẫu khi có nghi ngờ, vệ sinh tiêu độc sát trùng toàn bộ vùng có nguy cơ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang sẽ tăng cường chỉ đạo Trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh triển khai tốt, giám sát chặt chẽ đàn lợn nuôi tại địa phương; phát hiện và xử lý nhanh khi đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, không để dịch bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cũng tập trung chỉ đạo kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, Trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu, các chốt kiểm dịch tạm thời giám sát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua chốt, đảm bảo giám sát 24/24 giờ và 100% các phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đến thời điểm này, An Giang là địa phương thứ 37 của cả nước có dịch tả lợn châu Phi.