Sáng nay (13/5), tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến để tìm các giải pháp cấp bách ngăn chặn, kiểm soát dịch tả heo đang trong tình trạng “báo động đỏ”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ Công an... và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hơn 1,2 triệu con lợn bị tiêu huỷ vì dịch tả lợn châu Phi.
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo thống kê, đến ngày 12/5/2019, dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang xảy ra tại 2.296 xã của 204 huyện tại 29 tỉnh, thành phố. 1.220.488 con lợn, chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn của cả nước đã bị tiêu hủy.
Theo Cục Thú y, hiện nay, đa phần các tỉnh thành đã và đang có dịch tả lợn châu Phi hiện mới chỉ công bố dịch ở mức độ diện hẹp quy mô cấp xã. Tuy nhiên, thực tế một số huyện thuộc các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh… Sau một thời gian dài chống dịch, lượng lợn phải tiêu hủy quá nhiều khiến một bộ phận cán bộ thú y xã bị quá sức và có tâm lý buông xuôi.
Tại Việt Yên (Bắc Giang), một cán bộ xã Nghĩa Trung bày tỏ sự lo lắng khi lợn chết ồ ạt, nguồn kinh phí dự phòng cạn kiệt, thời gian tới, không biết sẽ lấy tiền ở đâu để chống dịch.
Đáng nói, ở một số nơi như: Thôn Đại Thắng, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng); Thái Bình... người dân thiếu ý thức, lén lút vứt lợn chết ra kênh, xuống sông.
Chưa kể, dịch tả châu Phi đang có dấu hiệu bị mất kiểm soát, lan vào các tỉnh miền Nam. Ngày 11/5, Bình Phước đã công bố dịch, vài ngày trước đó tại Đồng Nai cũng phát hiện dịch tại 2 xã Trảng Bom và Nhơn Trạch.
Đánh giá về diễn biến của dịch tả lợn châu Phi thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phải dùng con số "lây lan khủng khiếp".
"Thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan lan. Đó là chưa kể, bên cạnh những địa phương làm tốt thì vẫn có những nơi, những khâu làm chưa tốt. Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục lan truyền phức tạp, công tác chỉ đạo phải siết lại để hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra, giảm nguy cơ lây lan, đặc biệt trong khu chăn nuôi lớn", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi yêu cầu các địa phương, ngành chức năng khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách để hạn chế thiệt hại. Đáng chú ý, để giảm áp lực tiêu hủy lợn, Ban Chỉ đạo giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để tổ chức chống dịch.
Giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức chỉ đạo việc thông tin, tuyên truyền với nội dung xác thực, với tần suất, hình ảnh phù hợp để vừa bảo đảm công tác chống dịch có hiệu quả, vừa bảo vệ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trong kế hoạch tổ chức chỉ đạo ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi phải có phương án cụ thể để tiêu hủy lợn bị bệnh phù hợp với các cấp độ xảy ra, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong việc tiêu hủy lợn.
Giải pháp cấp đông lợn để giảm áp lực tiêu hủy có thể coi là một biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân. Chỉ có một điều băn khoăn là, theo đặc điểm dịch tễ học, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh.
Dịch ASF là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh. Virus dịch ASF có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh); có khả năng chịu được nhiệt độ 56°C trong 70 phút, 70°C trong 20 phút, 100°C trong 1 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5-11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày.
Cục Thú y cho biết, dịch tả lợn châu Phi cũng đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Gần nhất là Trung Quốc, các ổ dịch được ghi nhận xuất hiện tại 31 tỉnh khiến trên 10 triệu con lợn đã bị tiêu hủy. Quốc gia này đã tiêu tốn trên 1 tỉ USD cho công tác phòng chống dịch. Tại Campuchia, các ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ ngày 22/3 với địa bàn xảy ra dịch tiếp giáp với các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk của Việt Nam. Tại Mông Cổ đã ghi nhận 11 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh. |