Hơn 8.000 cơ sở vi phạm
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, năm 2019, TP thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về ATTP. Trong năm, Hà Nội đã triển khai mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn từ ngày 10/7.
Theo đó, toàn TP tiến hành thanh, kiểm tra 132.030 lượt cơ sở, phạt tiền 8.277 cơ sở với số tiền phạt hơn 30 tỷ đồng. Đặc biệt, Công an TP đã phát hiện 3.017 vụ vi phạm về ATTP, xử lý, thu nộp ngân sách hơn 11 tỷ (khởi tố 3 vụ về sản xuất hàng giả, kém chất lượng). TP ghi nhận và điều tra, xử lý kịp thời 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 12 người mắc xảy ra tại huyện Phú Xuyên…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai phần lớn các quận, huyện và xã, phường triển khai thí điểm thanh tra lần đầu, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra mới được tập huấn thời gian ngắn, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế. Quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp nên gặp khó khăn. Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động. Tâm lý “làng xóm, họ hàng” đặc biệt là ở các xã, thị trấn làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài, mặc dù quá trình kiểm soát ATTP đã cẩn thận và chặt chẽ nhưng vấn đề ATTP trường học luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đó là do quy trình từ sản xuất đến bàn ăn là một quy trình trình dài, nhiều công đoạn, nhiều cơ quan quản lý. Kiểm tra trong trường học chủ yếu là trực quan, cảm tính khó phát hiện thực phẩm độc hại, vẫn chủ yếu dựa vào niềm tin với DN và giấy tờ pháp lý Nhà nước cấp.
Từ thực tế kiểm tra, quận Tây Hồ kiến nghị TP siết chặt khâu kiểm tra cấp đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở và quy trình sản xuất chế biến, nuôi trồng thực phẩm có quy mô lớn, đảm bảo thực phẩm đều phải sạch và an toàn.
Thực hiện đánh giá, xếp hạng tiêu chuẩn các cơ sở để người dân biết và lựa chọn. Nghiên cứu, trang bị thêm các thiết bị phát hiện thực phẩm độc hại hoặc có nguy cơ cho các bếp ăn tập thể, đặc biệt là trường học để các trường kiểm tra hàng ngày, phòng tránh ngộ độc thực phẩm.
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Để phát triển nhiều mô hình liên kết chuỗi đảm ATTP, thay đổi thói quen từ sản xuất nhỏ lẻ, không được kiểm soát sang hợp tác liên kết phát triển sản xuất tiêu thụ theo chuỗi, có kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lý Duy Thanh, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.
Qua đó, huyện Gia Lâm đề xuất TP hướng dẫn hỗ trợ xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau, quả an toàn trên cơ sở thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từng bước xây dựng và gắn tem truy xuất nguồn gốc cho các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.
Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh hệ thống PGS trong sản xuất rau quả an toàn từng bước xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi có các sản phẩm an toàn, tốt nhất cho cộng đồng và xuất khẩu ngoài nước. Tăng cường dự báo tốt thị trường, định hướng sản xuất; tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm nông nghiệp có nhãn hiệu, thương hiệu nhằm tăng sức mua của thị trường đối với các sản phẩm này.
Đánh giá cao công tác bảo đảm ATTP của Hà Nội thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị trong năm 2020, các đơn vị cũng như các quận huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt cần chỉ rõ những điểm tốt, điểm còn hạn chế, tồn tại để thời gian tới làm tốt hơn.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường, làm tốt công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2020 với quyết tâm cao, trong đó, cần quan tâm tới các mô hình sản xuất hàng hóa, chế biến, giết mổ. Cần có cơ chế, tạo điều kiện ưu đãi, hỗ trợ DN sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, DN đầu tư dây chuyền giết mổ công nghệ cao. Với công tác giết mổ nhỏ lẻ, các quận, huyện cần tăng cường kiểm tra, tiếp tục xử lý vi phạm.
“Thời gian qua, trên địa bàn TP diễn ra dịch tả lợn châu Phi nhưng dịp Tết Nguyên đán 2020, Hà Nội cũng như cả nước không lo thiếu thịt lợn. Bởi trong đợt dịch, nhiều địa phương phải tiêu hủy lợn nhưng nhiều nơi không bị dịch, vẫn tái đàn. Qua đó, giá thịt lợn có thể được điều chỉnh, điều tiết lại cung - cầu…” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhấn mạnh.