Sáng 29/3, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm và ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng trước, trong đó 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Cụ thể:
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất với 1,42% (lương thực giảm 0,55%; thực phẩm giảm 1,97%), làm CPI chung giảm 0,51%, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm và ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi.
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,17%; văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,09%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 0,07%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,04%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm: Giao thông tăng 2,22% do tác động của điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm ngày 2/3/2019 (tác động làm CPI tăng 0,23%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,78% chủ yếu do giá gas trong tháng tăng 4,88%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,01%.
Nhìn chung, CPI bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm trở lại đây; CPI tháng 3/2019 tăng 0,69% so với tháng 12/2018 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Lạm phát cơ bản tháng 3/2019 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2019 tăng 1,83% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Về chỉ số giá vàng và đô la Mỹ: Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 3/2019 giảm 0,49% so với tháng trước; tăng 3,3% so với tháng 12/2018 và giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2019 tăng 0,05% so với tháng trước; giảm 0,44% so với tháng 12/2018 và tăng 2,02% so với cùng kỳ năm 2018.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng công tác điều hành giá Quý 1 năm nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, do có sự phối hợp chặt chẽ, bài bản của các bộ, ngành thuộc Ban chỉ đạo với từng kịch bản điều hành giá các mặt hàng cụ thể, sự vào cuộc tích cực, cung cấp thông tin kịp thời của các cơ quan tới báo chí và dư luận xã hội.
Giá thịt lợn đang giảm, nếu không tính toán việc tái đàn phù hợp thì cuối năm thiếu hụt nguồn cung, giá cao sẽ tác động tới mặt bằng giá nói chung và công tác điều hành giá của Chính phủ, ông Vương Đình Huệ lưu ý.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành không thụ động, điều hành giá không chỉ phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường, mà từ thực tiễn và diễn biến giả cả phải kịp thời kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức sản xuất và tiêu dùng.