Lợn hơi rớt giá
Dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn đang lây lan rất nhanh. Hiện nay, dịch tiếp tục xuất hiện ở Quảng Ninh và Ninh Bình, đưa số địa phương có bệnh lên 13 tỉnh, thành. Trước tốc độ lan nhanh và rầm rộ của dịch bệnh, giá lợn hơi mấy ngày qua đã giảm mạnh. Tại miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng xuống mức thấp hơn nhiều, đặc biệt là tại các tỉnh, TP có ổ dịch. Hiện mức bình quân lợn hơi tại các tỉnh, TP có dịch tả lợn châu Phi chỉ dao động ở mức 38.000 – 42.000 đồng/kg, giảm 12.000 đồng/kg so với tháng trước.
|
Diễn tập tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi tại Thanh Oai. |
Tại Hà Nội, ghi nhận tại một số vùng chăn nuôi trọng điểm, giá lợn xuất tại chuồng đã giảm xuống mức 38.000 - 39.000 đồng/kg, tương đương mức hỗ trợ của Nhà nước cho lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy. Mức giá này giảm từ 5.000 – 7.000 đồng/kg so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá lợn hơi giảm từ 53.000 đồng xuống còn 45.000 đồng/kg so với tuần trước. Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho biết, giá lợn hơi ở miền Nam giảm dù chưa có dịch bệnh là vì tâm lý lo sợ dịch kéo theo sức mua giảm. Ngoài ra, các trại heo có xu hướng bán sớm từ 80 - 90 kg một con thay vì đợi heo lớn 110 - 120kg như bình thường.
Sức mua giảm mạnh
Mặc dù giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh, kéo theo giá thịt lợn bán tại các chợ giảm, song điều đáng lo ngại là sức tiêu thụ mặt hàng thịt lợn những ngày qua sụt giảm đáng kể. Qua khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn như chợ Hà Đông, chợ Triều Khúc, chợ Phùng Khoang, chợ Thành Công… các sạp hàng bán thịt lợn luôn trong tình trạng ế ẩm, vắng có khách mua.
Chị Nguyễn Thị Hường, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Hà Đông cho biết, từ khi xuất hiện thông tin dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhất là khi Hà Nội chính thức có dịch, tình hình buôn bán của các tiểu thương ở đây giảm đáng kể. “Trước đây, trung bình mỗi ngày tôi bán được 2 con lợn, hiện nay chỉ bán một con nhưng cả ngày cũng không hết” – chị Hường than thở.
Các tiểu thương bán thịt lợn ở các chợ ngoại thành Hà Nội cũng chung tình cảnh tương tự. Chị Đồng Kim Thu, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đục Khê, Mỹ Đức than thở: “Hàng hóa ế ẩm nên thu nhập của tôi giảm đáng kể. Trước chỉ buổi sáng là tôi bán hết cả con, nhưng giờ chỉ dám lấy nửa con để bán”.
Không chỉ giảm sức mua, giá thịt lợn trên thị trường trong “bão" dịch tả lợn châu Phi cũng bị ảnh hưởng. Thời gian gần đây, giá thịt lợn ở các chợ đồng loạt giảm giá khoảng 5.000 – 10.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó. Cụ thể: Thịt nạc vai, thịt mông giảm xuống còn 70.000 - 75.000 đồng/kg, thịt ba chỉ, sườn có giá 80.000 - 85.000 đồng/kg, chân giò cả xương giảm xuống 45.000 – 50.000 đồng/kg.
Tẩy chay thịt lợn là vô lý
Mặc dù Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT đã khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người, do đó người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay các sản phẩm thịt lợn an toàn, song trước tốc độ lan nhanh của dịch, nhiều người dân vẫn lo sợ, nhất là các sản phẩm từ thịt lợn.
Chị Phạm Thị Hưng, quận Đống Đa cho biết, từ ngày Hà Nội có dịch tả lợn châu Phi nhà chị đã “nói không” với thịt lợn và thay bằng các thực phẩm như thịt bò, tôm, cá… Giống như chị Hưng, nhiều bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội cũng tạm ngưng sử dụng làm thực phẩm. “Nhiều người trong cơ quan lo lắng không dám ăn thịt lợn nên tôi phải tìm nguồn thực phẩm khác thay thế trong thực đơn mỗi ngày” – chị Tuyết Hoa, đầu bếp một bếp ăn tập thể chia sẻ.
Không chỉ người dân, một số trường học có tổ chức bán trú tại Hà Nội cũng tạm ngừng sử dụng thịt lợn trong bữa ăn của trẻ để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Đơn cử như như các trường THPT Đoàn Thị Điểm (khu Ecopark), trường Mầm non Đống Đa (quận Đống Đa), trường Mầm non Mimi (quận Bắc Từ Liêm)… đã ra thông báo với phụ huynh học sinh về việc thay đổi thực đơn hàng ngày của trẻ bằng các món ăn khác thay thế món chế biến từ thịt lợn. Mặc dù nhiều công ty cung cấp thực phẩm cho trường cho cam kết về nguồn gốc đảm bảo ATTP với thịt lợn, song để phòng dịch bệnh và để phụ huynh yên tâm, nhiều trường học vẫn quyết định tạm thời dừng sử dụng thịt lợn trong bữa ăn tại trường.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người. Ông Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên “nói không” với thịt lợn mà nên chọn mua thịt lợn an toàn, có nguồn gốc xuất xứ, nơi có địa chỉ uy tín. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể phân biệt thịt mắc dịch tả lợn châu Phi với không mắc.
Dấu hiệu lợn nhiễm dịch sẽ có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai, trông giống như vết muỗi đốt. Phần tứ chi, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh. Đặc biệt, người dân nên tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh lợn hay lợn chưa được chế biến kỹ để tránh mắc bệnh.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan: Tuyên truyền người dân không nên quay lưng với thịt lợn Nhằm tránh hiện tượng người tiêu dùng hạn chế sử dụng thịt lợn khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các DN, siêu thị đẩy mạnh truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh với nội dung dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo lắng. Đồng thời Sở cũng đã làm việc với nhiều DN cung cấp thịt đề nghị dự trữ nguồn hàng cho thị trường TP Hà Nội. Bên cạnh đó, yêu cầu Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng đến khâu vận chuyển. (Thu Hương ghi) Tung tin sai về dịch tả lợn, chủ fanpage có thể bị phạt 20 triệu đồng Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do, cho biết, vào chiều 11/3 chủ tài khoản fanpage Facebook "Đầm bầu thời trang Mami" đã đến làm việc với Cục này nhằm làm rõ thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi và kêu gọi tẩy chay thịt lợn mà mình đã đăng tải. Thừa nhận việc đăng tải thông tin về dịch tả lợn tại địa chỉ Facebook nói trên là hoàn toàn sai sự thật, chủ tài khoản cho biết đã gỡ ngay bài khi nhận được yêu cầu từ cơ quan chức năng. Đồng thời, chủ tài khoản Facebook này cũng cam kết không tái phạm cũng như chấp nhận các hình thức xử phạt hành chính từ phía Cục PTTH&TTĐT. Ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm, trong một vài ngày tới, Cục sẽ có quyết định xử phạt hành chính cũng như đưa ra số tiền phạt cho hành vi sai phạm của chủ tài khoản fanpage Facebook "Đầm bầu thời trang Mami", mức phạt cao nhất có thể lên tới 20 triệu đồng. (Hà Thanh) |