Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) cho biết, ngày 23/2, sau khi nhận được thông tin đàn lợn của gia đình ông Lê Văn Thanh (thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định) có biểu hiện của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chi cục thú y Thanh Hóa cùng các đơn vị chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm.
Đến ngày 24/2, kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi, nên cùng ngày, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 226 con lợn trong gia trại của gia đình ông Thanh.
Theo tường trình của ông Lê Văn Thanh và các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Định Long, tại địa phương này có nhiều gia đình nuôi lợn, thương lái thường từ các nơi khác về mua nên có thể đây là nguyên nhân lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại huyện Yên Định.
Cơ quan chức năng tiêu hủy lợn mắc bệnh.
Để khoanh vùng và tránh dịch lây lan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Thanh Hóa vừa có công văn gửi Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cấp bách, chủ yếu như: Thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, đoàn công tác các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Tổ chức, phân công lực lượng tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản phát hiện sớm các ổ dịch, nhằm bao vây dập tắt dịch khi còn ở diện hẹp, không để dịch lây lan; Vận động các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia giám sát, phát hiện dịch; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo đột xuất khi có dịch và báo cáo định kỳ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn theo quy định.
Trong trường họp xảy ra dịch bệnh, trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; Tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất...); Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.
Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; Xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn.
Trước đó, Cục Thú y thông báo phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và Hải Phòng. Toàn bộ số lợn mắc bệnh đã được tiêu hủy; chính quyền địa phương lập các chốt chặn vận chuyển, buôn bán lợn sống, sản phẩm thịt lợn, khử trùng môi trường khu vực chăn nuôi, chợ dân sinh.
Tiến sĩ Pawin Padungtod, đến từ Trung tâm khẩn cấp kiểm soát dịch bệnh động vật lây truyền qua biên giới thuộc FAO cho biết, dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm từ lợn sang người, mọi người không quá lo lắng và tẩy chay thịt lợn. Các hộ chăn nuôi để phòng chống dịch chỉ cần vệ sinh chuồng trại đúng cách.
Tiến sĩ Pawin đánh giá cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam, cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị và ứng phó với dịch tả lợn châu Phi nhanh chóng, công khai thông tin dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất. "Đây là điều kiện rất quan trọng để các tổ chức quốc tế, trong đó có FAO huy động các nguồn lực, chuyên gia giúp Việt Nam sớm kiểm soát dịch bệnh", ông nói.