Theo trang báo điện tử Chính hủ, từ tháng 3/2016 đến nay, Cục Quản lý Y dược Cổ truyền mới cấp 14 giấy phép nhập khẩu dược liệu cho các công ty sản xuất dược tại Việt Nam, với tổng số 1.400 tấn dược liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được nhập khẩu vào trong nước.
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết, hơn 80% trong số 60.000 tấn dược liệu sử dụng mỗi năm tại Việt Nam là nhập khẩu. Như vậy, đa số dược liệu nhập vào Việt Nam theo con đường tiểu ngạch. Có nhiều loại dược liệu nhập dưới dạng nông sản hoặc đăng ký sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm nhưng lại được sử dụng để làm thuốc.
Ảnh minh họa. |
Ông Cường cho biết, nhiều loại dược liệu khi nhập khẩu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, phần lớn được đóng gói trong bao, thùng giấy, không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng. Tại các cửa khẩu, cán bộ chỉ kiểm tra được số lượng, trọng lượng bao hàng, không kiểm tra được chất lượng các dược liệu.
Năm 2015, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương phối hợp với Cục Y dược cổ truyền kiểm tra, khảo sát các loại dược liệu có nghi ngờ về chất lượng tại các bệnh viện y học cổ truyền và các công ty xuất nhập khẩu dược liệu trên toàn quốc.
Và trong 109 mẫu được kiểm tra, phần lớn mẫu được lấy từ khu vực cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, thì có đến 56 mẫu không đạt chất lượng. Nhiều mẫu dược liệu khi kiếm nghiệm cho thấy đã bị chiết suất hết thành phần dược.
Trong số các mẫu không đạt chất lượng, có đến 24 mẫu dược liệu giả mạo đã được đưa vào các cơ sở y tế công lập sử dụng.